Bài học triển khai 3G trên thế giới

Dịch vụ 3G sẽ đến tay người dùng như thế nào?

Việt Nam nằm trong số những quốc gia bắt đầu ứng dụng 3G, nhờ đó có nhiều lợi thế như không phải mò mẫm dò đường, công nghệ cũng không còn quá mới mẻ và giá thiết bị phần cứng, phần mềm đã dễ chịu hơn.

Marko Lius, Giám đốc chiến lược của Nokia Siemens Networks khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho biết một số nhà cung cấp đã thành công đơn giản chỉ bằng việc dùng cụm "băng rộng di động" thay cho thuật ngữ 3G có phần xa lạ bởi dù không còn là công nghệ, không phải người sử dụng bình dân nào cũng hiểu 3G là gì và nó có điểm gì khác so với 2G.

Cơ hội còn nằm ở chiến thuật đơn giản: đưa băng rộng di động đến nơi chưa có băng rộng cố định. Điều này được chứng minh qua nhà cung cấp Telefonica Móviles Chile. Họ bắt đầu thiết lập mạng 3,5G từ tháng 3/2008 và nhận thấy hầu hết lưu lượng xuất phát từ những khu vực khan hiếm đường truyền cho băng rộng cố định, giúp doanh thu bình quân đầu người của Telefonica Móviles Chile tăng tới 117% so với năm 2007.

Một khác biệt cơ bản giữa băng rộng cố định và không dây là kết nối cố định chủ yếu phục vụ doanh nghiệp và các hộ gia đình trong khi Internet di động mang tính cá nhân. Nói cách khác, cả nhà có thể dùng chung một đường ADSL nhưng mỗi thành viên lại có tài khoản thuê bao di động riêng.

Cũng theo Marko Lius, các nhà cung cấp nên tập trung vào ứng dụng "quả ngọt cành thấp" trước. Nghiên cứu của Nokia Siemens Networks năm 2008 cho thấy mọi người chủ yếu dùng 3G để duyệt web và đọc/gửi e-mail hơn là chơi game hay tải video.

Theo VnExpress

Đọc thêm