Ai đang bảo vệ con cái chúng ta trên mạng?

Năm ngoái, Chu Tú Lệ quyết định làm khóa luận tốt nghiệp với đề tài về “Hiện tượng chat sex”. Sau khi tốt nghiệp khoa Tâm lý học (Đại học KHXH&NV Hà Nội), Lệ vào làm việc tại trường Hoa Sữa. Nay nhắc lại những kỷ niệm khó quên về quãng thời gian thực hiện khóa luận, Lệ chợt giật mình nhận ra “Chưa có ai bảo vệ trẻ em trên mạng!”.

“Cha mẹ thường khi phát hiện thì mắng chửi, ngăn cấm. Nếu sau này có con, con em gặp rủi ro trên mạng, em cũng không biết gọi đến cơ quan nào. Chỉ biết cắt dịch vụ Internet”, cô nói.

Vô số rủi ro, cạm bẫy trên mạng

Chu Tú Lệ cho biết để làm được đề tài này, cô đã phải thức đêm để vào các “phòng” chat sex. Lần đầu tiên là “choáng”, không chịu nổi, phải thoát ra ngay. Song nếu không thâm nhập thực tế, cô không thể thực hiện khóa luận tốt nghiệp.

Tiếp cận phòng chat, rồi tiếp xúc với một số người thực, việc thực là học sinh cấp 3 và sinh viên đại học ở một số trường tại Hà Nội, Lệ phát hiện chat sex cũng chia ra vài cấp độ. Phổ biến nhất là chat thông thường, những người chat trao đổi với nhau những câu chuyện mang tính kích dục. Cấp độ thứ hai là chat voice: nói, rên, la hét… Cuối cùng, cấp độ “nặng đô” nhất là kết hợp chat qua webcam, voice và gõ bàn phím. Các đối tượng chat dùng webcam trỏ thẳng vào bộ phận sinh dục hoặc các bộ phận khác trên cơ thể, tạo các tư thế…

Tóm lại, không một bậc phụ huynh nào tưởng tượng nổi con cái mình có thể có những hành vi táo tợn như vậy.

Nhưng chat sex chỉ là một mặt trái trên Internet. Điều khiến các bậc phụ huynh dường như lo lắng hơn chat sex là trò chơi trực tuyến (game online). Thạc sỹ tâm lý Nguyễn Bá Đạt (Trung tâm Tham vấn và Hỗ trợ tâm lý Giáo dục phát triển cộng đồng – CPEC – Đại học KHXH&NV Hà Nội), cho rằng game online có sức hút mãnh liệt đối với trẻ em bởi ở đó, trẻ được hòa mình vào thế giới ảo, được tự do hành động theo sở thích mà không bị bất kỳ cản trở nào và đặc biệt, ở một số trò chơi hiện nay, người chơi có thể kiếm tiền được.

Những mặt trái của Internet còn có thể kể đến là những nội dung mang tính kích động, suy đồi đạo đức đầy rẫy trên mạng mà các em có thể truy cập ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào. Đa số các em là nạn nhân của nội dung “đen” này nhưng điều đáng nói là thời gian gần đây, có những em độ tuổi teen (13-19 tuổi) chính là thủ phạm tự chụp ảnh, quay phim rồi tự hoặc “bị” tung lên mạng.

Trẻ em bị lạm dụng trên mạng đã xảy ra dưới nhiều hình thức khác nhau như bị lôi kéo chụp ảnh, quay phim rồi đưa lên mạng để “câu khách” (trường hợp một em gái 15 tuổi bị Công ty Zaa Accessories, TP.HCM, chụp ảnh “nóng” và phát tán trên mạng); bị rủ rê đi nhà nghỉ, buôn bán qua biên giới…

Với vô số cạm bẫy, rủi ro trên mạng như vậy, các bậc phụ huynh, người lớn đang làm gì để bảo vệ các em?

Người lớn cấm và bế tắc

Thạc sĩ Nguyễn Bá Đạt cho biết từ năm ngoái đến nay, Trung tâm tư vấn đã nhận được yêu cầu trợ giúp của 15 gia đình, mong đưa con cái họ thoát khỏi cơn “nghiện game”. Khi được nhà trường thông báo con cái học hành bê trễ, sa sút, ở gia đình sống cô lập, các ông bố, bà mẹ mới biết con nghiện game. Giải pháp lập tức duy nhất mà các gia đình đều làm là cấm con cái chơi game bằng cách kiểm soát chặt tiền cho con, cắt sử dụng Internet tại nhà, giám sát con suốt ngày. Cho đến khi biện pháp này không thể giúp con cai nghiện game, phụ huynh tìm đến trung tâm tư vấn.

Phụ huynh Chu Tú Lệ đã gặp cũng chỉ có giải pháp la mắng, cấm con cái sử dụng Internet. Về phía nhà trường, Lệ cho biết ngay khi cô đề nghị một thầy hiệu phó một trường cấp 3 giúp đỡ để cô phát phiếu điều tra cho khóa luận, thầy hiệu phó này đã từ chối thẳng thừng với lý do: “nội dung nhạy cảm… vẽ đường cho hươu chạy”.

Hiện nội dung tin học đã được đưa vào chương trình giảng dạy ở các cấp học. Em Trần Hiếu An, học sinh lớp 10, trường Đ. (Đống Đa, Hà Nội), cho hay em được học tin học từ cấp trung học cơ sở. Nội dung là ngôn ngữ lập trình, soạn thảo văn bản… Cũng có bài học về tìm kiếm bằng Google nhưng các em không được học vì cô giáo “cắt Internet” trong giờ tin học.

Chị Trịnh Thị Nguyên, mẹ em Hiếu An cũng đang băn khoăn không biết tại sao cậu con út năm nay học lớp 4 có nick chat mặc dù nhà không lắp Internet và vợ chồng chị luôn thay phiên nhau đưa đón con. Mặc dù cháu đã “khai” anh lập hộ nick chat cho nhưng chị vẫn không tin và bắt đầu lo lắng cháu chat gì trên mạng.

Người viết bài này đã đặt câu hỏi “làm thế nào nếu tình nghi con cái gặp nguy hiểm trên mạng như truy cập nội dung đen, chat sex, bị phát tán ảnh riêng tư?”, một số bà mẹ cũng như chị Nguyên đều khẳng định con cái họ “nhất định không có/gặp phải chuyện đó”. Nếu chẳng may như thế thì câu trả lời duy nhất là cấm, cắt Internet, tịch thu điện thoại. Nhưng chính họ cũng thừa nhận, cấm không giải quyết được vấn đề vì ở thành phố, Internet hầu như có ở khắp mọi nơi và cước truy cập nơi công cộng rẻ.

Và điều đáng nói hơn cả, kể cả phụ huynh, chuyên gia đều không thể kể ra tên một cơ quan chức năng nào để họ báo tin nếu con cái gặp nguy hiểm trên mạng.

Hãy thôi thờ ơ với việc lướt web của trẻ em

Chăm sóc và bảo vệ trẻ em luôn là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Nhưng những vấn đề về trẻ em được các cơ quan, tổ chức chú trọng nhiều nhất là dinh dưỡng, tiêm chủng, an toàn giao thông, phổ cập giáo dục… Ngay cả trong chương trình 2006-2010 của Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam, những nội dung trọng tâm vẫn là giáo dục, phòng tránh tai nạn thương tích, bình đẳng giới…

Cho đến nay, không có một chương trình nào có quy mô địa phương hay quốc gia về an toàn cho trẻ em trên mạng. Không có một hướng dẫn giúp trẻ em an toàn trên mạng dành cho các bậc phụ huynh từ các cơ quan, tổ chức.

Ngay cả đến nội dung tin học giảng dạy trong nhà trường cũng chỉ nhằm mục đích sau khi tốt nghiệp THCS, học sinh đã được học các khái niệm cơ bản về tin học, Windows, Word, Excel; sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, các em hiểu được các khái niệm về lập trình, việc thiết kế các thuật toán và hiện thực chúng trên một ngôn ngữ lập trình cụ thể. Các nhà sư phạm mong muốn các em viết các phần mềm đơn giản để giúp các em có hứng thú với việc lập trình.

Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Trên Internet cũng không phải ngoại lệ. Trong bối cảnh vấn đề an toàn trên mạng cho trẻ chưa được quan tâm đúng mức như vậy, các phụ huynh nên làm gì?

Một nhà báo chia sẻ kinh nghiệm là không bao giờ nên ngăn cấm trẻ em truy cập Internet. Internet tồn tại một cách khách quan và có cả mặt tốt lẫn xấu. Điều quan trọng là giáo dục cho con cái tìm tòi những điều tốt và có khả năng đề kháng khi gặp nội dung xấu. Trách nhiệm này trước hết thuộc về cha mẹ. Anh đã thu thập được nhiều tư liệu nước ngoài về hướng dẫn lướt web an toàn, âm thầm theo dõi blog của con gái…

Đây không phải là vấn đề vi phạm quyền riêng tư mà đơn giản, cha mẹ phải biết con làm gì trên mạng trước khi quá muộn.

Theo ICTNews

Đọc thêm