Ai Cập: Chống quấy rối tình dục bằng ĐTDĐ

Ai Cập: Chống quấy rối tình dục bằng ĐTDĐ ảnh 1

Nhiều phụ nữ cho biết họ đã làm nhiều cách như mặc quần áo kín, không trang điểm… nhưng vẫn bị quấy rối dưới các hình thức khác nhau

Một nhóm các nhà hoạt động tình nguyện trong lĩnh vực chống quấy rối tình dục đến từ các tổ chức như Liên Hợp Quốc, các tổ chức phi chính phủ như ECWR, Ashoka và GTZ đã phối hợp với các chuyên gia công nghệ thông tin di động phát triển nên công cụ HarassMap và ứng dụng nó tại Ai Cập.

Dự kiến, vào cuối năm nay công cụ HarassMap sẽ được đưa vào sử dụng, cho phép những phụ nữ bị quấy rối tình dục có thể ngay lập tức báo cáo về vụ việc thông qua SMS. Tin nhắn SMS sẽ được gửi đến một máy tính trung tâm. Ngay sau khi gửi SMS, nạn nhân sẽ nhận được tin nhắn phản hồi cung cấp những lời khuyên bổ ích, thực tế nhằm thoát khỏi tình huống. Đồng thời, công nghệ định vị của di động sẽ xác định vị trí xảy ra vụ quấy rối thông qua tin nhắn SMS, và sự can thiệp của cảnh sát có thể được điều động ngay lập tức để giúp đỡ nạn nhân.

Ngoài ra, HarassMap sẽ cung cấp cho các nạn nhân nhiều dịch vụ như cách trình báo với cảnh sát, hỗ trợ về pháp lý, tâm lý, các lớp học tự phòng vệ.

Đây là lần đầu tiên Ai Cập sử dụng công nghệ điện thoại di động để giúp phụ nữ chống lại nạn quấy rối tình dục. Hiện nay, Ai Cập có khoảng 55 triệu thuê bao ĐTDĐ, chiếm 40% dân số. Trong tổng số thuê bao di động có 35-50% thuê bao là phụ nữ. Dự kiến số thuê bao di động sẽ tăng 10% mỗi năm. Điều này có nghĩa là khoảng 27 triệu phụ nữ có thể tiếp cận và sử dụng công cụ HarassMap.

Từng bước một, các tin nhắn SMS của nạn nhân sẽ giúp xác định ra những “điểm nóng” về quấy rối tình dục. Những “điểm nóng” này sẽ được cập nhật lên một website của chương trình HarassMap, từ đó cảnh báo phụ nữ nên thận trọng hơn khi đến các khu vực này. Thậm chí, nhóm thực hiện dự án HarassMap còn dự định sẽ cập nhật thêm tính năng đăng tải ảnh của thủ phạm gây ra vụ quấy rối, nếu máy ĐTDĐ của nạn nhân có thể chụp ảnh. Ngoài ra, dữ liệu trên HarassMap cũng sẽ được chia sẻ cho cảnh sát. Nhà chức trách sẽ xem xét và có thể sẽ xuất hiện dày đặc hơn tại những “điểm nóng” này. Dự án cũng tận dụng công nghệ bản đồ nguồn mở, từng được dùng vào đầu năm nay để giúp các đội cứu hộ tìm kiếm nạn nhân trong vụ động đất ở Haiti.

Các nhà tổ chức chương trình HarassMap cho biết dự án này sẽ “sống” nhờ vào nguồn doanh thu đến từ các tin nhắn SMS. Theo một nghiên cứu của Trung tâm Bảo vệ Quyền Phụ nữ Ai Cập, có tới 83% phụ nữ Ai Cập và 98% phụ nữ nước ngoài bị quấy rối dưới nhiều hình thức tại Ai Cập. Thậm chí, có đến 50% số nạn nhân trên bị quấy rối hàng ngày. Nhiều phụ nữ cho biết họ đã làm nhiều cách như mặc quần áo kín, không trang điểm… nhưng vẫn gặp tình huống oái ăm. Đây là một dịch vụ mất phí, hiện nay HarassMap chưa công bố mức phí nhắn tin SMS song họ cho biết nếu mỗi lần bị quấy rối, những nạn nhân này gửi SMS đến HarassMap, doanh thu ban đầu có thể đạt 1,2 triệu USD. Để sử dụng HarassMap, nạn nhân chỉ cần có ĐTDĐ với tính năng cơ bản biết nhắn tin SMS. Theo các nhà tổ chức, nguồn tiền này sẽ được tái đầu tư nhằm giúp dự án phát triển bền vững và tăng độ phổ cập thông qua các hoạt động tuyên truyền, quảng bá về công cụ.

HarassMap được đánh giá là một dự án nhiều tham vọng, một điển hình của việc sử dụng CNTT nhằm thay đổi nền văn hóa của Ai Cập. Thông thường phụ nữ xấu hổ khi phải trình bày các vụ việc quấy rối tình dục, song họ có thể gạt bỏ nỗi mặc cảm đó khi chỉ phải gửi đi một tin nhắn SMS, đặc biệt trong tình huống nguy cấp, càng thôi thúc họ báo cáo sự việc để được bảo vệ ngay lập tức. Nếu HarassMap thành công, họ có thể thay đổi cuộc sống của hàng triệu phụ nữ Ai Cập. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng HarassMap rất hữu ích nhưng sẽ hạn chế với một số người mù chữ và những người ít hiểu biết về công nghệ.

Theo Mạnh Hùng (ICTnews)

Đọc thêm