10 sự kiện CNTT-VT Việt Nam nổi bật của thập kỷ

10 sự kiện CNTT-VT Việt Nam nổi bật của thập kỷ ảnh 1

10 năm qua, lĩnh vực CNTT-VT Việt Nam đã chứng kiến nhiều dấu ấn đáng nhớ.

Đối với nhiều người dân Việt Nam, nếu trở lại 10 năm trước đây khó có thể tin rằng Internet, di động và nhiều mặt hàng điện tử tiêu dùng trở nên phổ biến như “cơm bình dân” như hiện nay. Đó không chỉ là kết quả của những thành tựu tiến bộ khoa học công nghệ của thế giới mà người dân Việt Nam được hưởng thụ mà còn có cả những vận động, phát triển từ nội tại ngành công nghệ thông tin và viễn thông (CNTT-VT) Việt Nam.

Điểm lại trong 10 năm đã qua, từ “kim chỉ nam” của Đảng coi CNTT-VT là động lực phát triển, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, CNTT-VT đã len lỏi, hiện diện trong mọi ngõ ngách của cuộc sống, từ đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin, khai thác kho tài nguyên tri thức nhân loại, giải trí cho đến phục vụ điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước. Đến lúc này, đối với nhiều người, nhiều ngành, doanh nghiệp, CNTT-VT là một nhu cầu thiết yếu.

Cùng với sự bùng nổ về số lượng thuê bao di động, người sử dụng Internet, nội dung số, ngành CNTT-VT Việt Nam cũng trải qua nhiều biến cố trong quá trình phát triển như sự sụp đổ của công ty phân phối điện thoại di động Dongnam Associates (2003), nạn ngư dân cắp cáp quang biển bán đồng nát (2007), vụ bê bối giải nhất và Cup vàng Trí tuệ Việt Nam 2003 iCMS bị thu hồi do “đạo phần mềm” (2004), một loạt các vụ tin tặc tấn công, các vụ lừa đảo tài chính qua mạng (2007)…

Trong số rất nhiều sự kiện đã diễn ra trong thập kỷ qua, Báo Bưu điện Việt Nam đã đánh giá để lựa chọn 10 sự kiện, dấu ấn nổi bật nhất của ngành CNTT-VT Việt Nam – những sự kiện, dấu ấn không chỉ có tác động, ảnh hưởng lớn tới đời sống kinh tế xã hội mà còn mang tính đột phá về công nghệ.

3G – bước ngoặt lịch sử ngành di động Việt Nam

10 sự kiện CNTT-VT Việt Nam nổi bật của thập kỷ ảnh 2

3G ra mắt là dấu ấn mới nhất của CNTT-VT Việt Nam trong thập kỷ.

Sau nhiều năm chuẩn bị, cuối cùng công nghệ di động thế hệ thứ ba (3G) đã chính thức được thương mại hóa tại Việt Nam trong năm 2009. Bốn doanh nghiệp trúng tuyển 3G là Viettel, VNPT, VMS-MobiFone, liên danh EVN Telecom - Hanoi Telecom sẽ đầu tư tổng cộng hơn 33 nghìn tỷ đồng cho hạ tầng mạng 3G đến năm 2012. Với khao khát 3G sẽ giải quyết tình trạng nghẽn cho mạng 2G và hỗ trợ để cung cấp dịch vụ mới nhằm tăng doanh thu…

Tuy nhiên, hơn thế 3G tạo ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực truyền thông không dây với việc cung cấp dịch vụ thoại và truy nhập dữ liệu tốc độ cao trên di động, đồng thời thúc đẩy sự hội tụ của các thiết bị liên lạc di động với các thiết bị điện tử tiêu dùng khác. 3G trở thành môi trường mà biến chiếc điện thoại di động là một công cụ liên lạc, khai thác thông tin, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và an toàn cho mọi người.

Với người dân, 3G có thể trở thành phương tiện chủ yếu trong việc thực hiện các cuộc gọi hay truy cập Internet để khai thác các nguồn tài nguyên trên đó. 3G còn quan trọng ở chỗ không chỉ cung cấp các dịch vụ giải trí như âm nhạc, điện ảnh, mạng 3G trở thành nền tảng giúp gia tăng tỷ lệ phổ cập Internet (vươn tới những nơi băng rộng cố định khó đến được) và thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng miền.

Viettel – Sức công phá “lô cốt” độc quyền  

10 sự kiện CNTT-VT Việt Nam nổi bật của thập kỷ ảnh 3

Viettel cung cấp dịch vụ di động vào năm 2004 đã thực sự phá thế độc quyền viễn thông ở Việt Nam.

Viettel, tiền thân là Tổng Công ty Điện tử thiết bị thông tin thuộc Bộ Quốc phòng (thành lập ngày 1/6/1989) là doanh nghiệp đầu tiên cạnh tranh với ‘đại gia’ VNPT về viễn thông, cụ thể là doanh nghiệp đầu tiên cung cấp dịch vụ thoại qua IP (VoIP) trên toàn quốc. Tuy nhiên, Viettel chính thức để lại dấu ấn công phá “lô cốt” độc quyền là trên thị trường thông tin di động, khi vào năm 2004, Viettel Mobile được cấp phép cung cấp dịch vụ di động. Mặc dù trước và sau Viettel có các mạng di động khác ngoài hai mạng VinaPhone và MobiFone của VNPT nhưng Viettel mới chính là người “khai hỏa” cho các cuộc chạy đua về giảm giá cước, khuyến mãi để phát triển thuê bao. Từ năm 2004 đến nay, giá cước dịch vụ di động liên tục giảm mạnh, thuê bao trả trước liên tục được hưởng các ‘bữa tiệc’ khuyến mãi. Ở Việt Nam, di động từ chỗ là thứ hàng hóa xa xỉ trở thành dịch vụ thiết yếu, bình dân.

Không chỉ trong lĩnh vực di động, Viettel trở thành đối trọng với VNPT trong các ‘cuộc chiến’ giành thị phần Internet, điện thoại cố định không dây, đầu tư xây dựng cáp quang biển… Trong vòng chưa đầy một thập kỷ, Viettel đã nhanh chóng vươn lên hàng ‘đại gia’ trên thị trường viễn thông trong nước và là doanh nghiệp viễn thông đầu tiên của Việt Nam đẩy mạnh đầu tư khai thác thị trường nước ngoài với việc khai trương mạng di động ở Lào, Campuchia và sắp tới Viettel có dự tính mua đa số cổ phần của mạng di động Bangladesh Teletalk.

Đề án 112  

10 sự kiện CNTT-VT Việt Nam nổi bật của thập kỷ ảnh 4

Mặc dù là đề án khởi động phong trào ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước nhưng đề án 112 được nhớ đến nhiều hơn ở khía cạnh tiêu cực.

Năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định triển khai Đề án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2005 (được gọi tắt là Đề án 112) với các mục tiêu xây dựng các phần mềm dùng chung phục vụ quản lý hành chính, xây dựng các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, tin học hóa các dịch vụ công, đào tạo tin học cho cán bộ công chức và thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính.

Sự ra đời của đề án này đã thực sự thúc đẩy hoạt động ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước. Các bộ ngành và địa phương yên tâm tập trung các nguồn lực cho tin học hóa, đầu tư hàng trăm tỷ đồng mua sắm máy tính và xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu. Theo tài liệu của Kiểm toán Nhà nước, từ năm 2001 - 2005, riêng vốn ngân sách Trung ương đầu tư cho Đề án 112 là 1159 tỷ đồng. Ngoài ra, các bộ ngành và địa phương cũng đầu tư thêm rất nhiều tiền, có địa phương chi gấp nhiều lần ngân sách Trung ương cấp cho đề án 112.

Thế nhưng, việc triển khai ồ ạt, thiếu tính hệ thống đã đưa đề án đến chỗ thất bại. Báo cáo giám sát đề án 112 của Quốc hội công bố tháng 3/2007 kết luận các mục tiêu của đề án đặt ra không đạt, tiến độ triển khai chậm. Theo báo cáo này, chỉ có 3 trong số 48 phần mềm dùng chung được triển khai, trong đó nhiều nơi không hiệu quả và mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia cũng không triển khai được.

Một tháng sau khi Quốc hội công bố báo cáo giám sát đề án 112, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định ngừng triển khai đề án 112 kể từ tháng 4/2007. Không chỉ bị dừng triển khai, một số quan chức trong Ban điều hành đề án và một số doanh nghiệp đã bị truy tố vì tội “lợi dụng chức vụ” trong quá trình triển khai đề án.

Sự thất bại của đề án 112 đã để lại nhiều hệ quả tiêu cực. Các dự án ứng dụng CNTT ở các cơ quan nhà nước đã bị ngưng trệ trong một thời gian dài. Trong khi đó, nhiều công việc dang dở của đề án 112 đến nay vẫn chưa giải quyết được, trong đó có hàng nghìn hợp đồng trong thời gian triển khai đề án 112 vẫn chưa quyết toán xong.

Sau khi đề án 112 kết thúc, việc ứng dụng CNTT trong cơ quan công quyền được triển khai theo Nghị định 64 với một cách tiếp cận mới thay cho mô hình tập trung từ trên xuống của đề án 112. Theo đó, các bộ ngành và địa phương chủ động xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT theo nhu cầu dựa trên mục tiêu chung của Chính phủ.

Internet băng rộng ADSL ra đời, nội dung số bùng nổ  

10 sự kiện CNTT-VT Việt Nam nổi bật của thập kỷ ảnh 5
MegaVNN ra mắt năm 2003 là dịch vụ ADSL đầu tiên ở Việt Nam.

Internet băng rộng ADSL chính thức xuất hiện tại Việt Nam từ ngày 1/7/2003 sau khi Công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC) cung cấp dịch vụ MegaVNN. Cạnh tranh trên thị trường Internet băng rộng đã khốc liệt hơn khi có thêm các nhà cung cấp khác, như FPT, Saigon Postel, Netnam, EVN Telecom và Viettel.

Cạnh tranh đã đẩy giá dịch vụ ADSL giảm nhanh, từ mức cước tiền triệu đồng/tháng thời kỳ đầu đến nay chỉ còn một vài trăm nghìn đồng trong khi tốc độ kết nối cao hơn. Dung lượng băng thông kết nối đi quốc tế sau 7 năm (từ 2003-đến nay) đã tăng khoảng 3.300 lần, từ 2MBps lên 65.5500Mbps tính đến tháng 11/2009.

Internet từ chỗ là thứ xa xỉ phẩm, chỉ là băng hẹp, giá cao, các dịch vụ hạn chế nay đã trở nên phổ biến với nhiều dịch vụ gia tăng, với khoảng 30% dân số sử dụng. Sự phổ biến của ADSL đã dần dần khai tử dịch vụ kết nối Internet gián tiếp tốc độ thấp (56kbps). Mặc dù vẫn còn than phiền về chất lượng dịch vụ, nhưng sự ra đời của ADSL đã thúc đẩy sự phát triển bùng nổ của các dịch vụ nội dung số, đặc biệt là game online, mạng xã hội và những dịch vụ giải trí như nhạc số. Từ chỗ không có gì, nội dung số đã trở thành một lĩnh vực tăng trưởng nóng, với mức tăng trung bình hàng năm hơn 50% và dự kiến khoảng 700 triệu USD doanh thu vào năm 2009. Nội dung số được dự báo sẽ vượt doanh thu ngành phần mềm vào năm 2012.

Tất nhiên, sự phát triển phi mã của dịch vụ nội dung số cũng gây ra biết bao hệ lụy, giới trẻ như nghiện game, thông tin khiêu dâm và chuyện bôi nhọ xuất hiện đầy rẫy nhờ đặc tính ẩn danh của Internet.

Phóng vệ tinh VINASAT-1  

10 sự kiện CNTT-VT Việt Nam nổi bật của thập kỷ ảnh 6

Vệ tinh đầu tiên của Việt Nam được phóng lên không gian vào ngày 19/4/2008.

Sau hơn 13 năm kể từ ngày dự án quốc gia Vinasat-1 được khởi xướng (năm 1995), Việt Nam đã chính thức ghi tên mình vào bản đồ không gian mạng toàn cầu sau khi vệ tinh đầu tiên VINASAT-1 được phóng thành công lên quỹ đạo trái đất: 5h17 phút sáng 19/4/2008. Theo VNPT, chủ đầu tư dự án VINASAT-1, dung lượng của vệ tinh VINASAT-1 với tuổi thọ 15 năm dự kiến sẽ khai thác hết dung lượng vào năm 2010. Sau vệ tinh VINASAT-1, VNPT tiếp tục được giao làm chủ đầu tư dự án VINASAT-2 dự kiến hoàn thành vào năm 2012 với vốn đầu tư từ 290-350 triệu USD.

Việt Nam là đất nước có diện tích trải dài và có tới 75% người dân đang sống ở các vùng nông thôn. Hàng năm, có nhiều thiên tai ảnh hưởng lớn đến hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông. Vì vậy việc phóng vệ tinh thành công giúp Việt Nam chủ động đảm bảo liên lạc khi hạ tầng viễn thông mặt đất (cáp quang và cáp đồng) bị thiệt hại bởi thiên tai hoặc phát triển các dịch vụ để cung cấp cho đồng bào vùng sâu, vùng xa mà mạng cố định mặt đất chưa tới được. Vệ tinh là phương tiện ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết, khắp phục được những khó khăn về khoảng cách.

Với việc phóng vệ tinh VINASAT-1 thành công, Việt Nam có đầy đủ các loại hình liên lạc. Cùng với hơn 200 km cáp quang trải khắp cả nước, VINASAT-1 đi vào hoạt động đã góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia, giúp các đài phát thanh, đài truyền hình và các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông phủ sóng tới vùng sâu, vùng xa, các khu vực biên giới và hải đảo.

Dự án Intel 1 tỷ USD và sự hội nhập mạnh mẽ của CNTT Việt Nam  

10 sự kiện CNTT-VT Việt Nam nổi bật của thập kỷ ảnh 7
Intel nhận giấy phép đầu tư nhà máy lắp ráp và kiểm định chip với vốn đầu tư 1 tỷ USD từ tháng 2/2006.

Tháng 2/2006, Intel chính thức nhận giấy phép đầu tư 300 triệu USD xây dựng nhà máy lắp ráp và kiểm định chip (ATM) tại khu Công nghệ cao TP. HCM. 9 tháng sau, hãng sản xuất chip số 1 thế giới đã quyết định mở rộng đầu tư và quy mô dự án, nâng tổng vốn đầu tư vào dự án này lên 1 tỉ USD và trở thành khoản đầu tư lớn nhất của một công ty Mỹ vào Việt Nam tính đến thời điểm này. Đây cũng là nhà máy lớn nhất trong hệ thống 7 nhà máy ATM của Intel trên toàn cầu. Nhà máy sẽ chính thức đi vào sản xuất vào tháng 7/2010.

Việc Intel quyết định chọn Việt Nam để xây dựng nhà máy được đánh giá là một “chiêu PR” ngoạn mục cho thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam nói chung và CNTT Việt Nam nói riêng. Sự kiện này không những khẳng định Việt Nam là một điểm đến thực sự hấp dẫn dành cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực CNTT-TT, mà còn mang lại những cơ hội phát triển lớn cho ngành CNTT Việt Nam. Hàng loạt những nhà sản xuất và cung cấp linh kiện phụ trợ cho Intel cũng đã chọn Việt Nam làm địa điểm dừng chân. Hiệu ứng Intel cũng đã ảnh hưởng tích cực đến quyết định đầu tư của nhiều tên tuổi lớn khác vào Việt Nam, như Samsung, Foxconn, Compal…

Cùng với sự kiện Intel, trong thập kỷ vừa qua cũng chứng kiến sự hội nhập quốc tế của ngành CNTT-VT Việt Nam. Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) với các cam kết mạnh mẽ về mở cửa thị trường viễn thông, công nghệ thông tin. Hàng loạt nhà lãnh đạo CNTT nổi tiếng thế giới có các chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam như Bill Gates, Craig Barrett… Cùng với dự án đầu tư của các hãng điện tử hàng đầu thế giới Canon, Intel, Panasonic, Samsung… các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài như IDG, Softbank… đổ tiền vào các công ty Internet Việt Nam non trẻ như Naiscorp, Vega, Chợ điện tử… Vị thế của CNTT Việt Nam cũng được củng cố đáng kể với việc Việt Nam được xếp vào hàng top 10 điểm đến gia công phần mềm hấp dẫn, là điển hình thành công về phát triển băng rộng, ứng dụng CNTT…

Còn tiếp…

(Theo ICTnews)

Đọc thêm