Mua tiền giả trên Facebook dễ như trở bàn tay


Xem thêm:
Hóa chất độc hại, đá gà ăn tiền lên Facebook - Những tưởng rằng các hành vi đánh bạc ăn tiền, kinh doanh hóa chất độc hại là bị cấm nhưng giờ đây nó lại được mời chào và rao bán nhan nhản trên Facebook.

Việc giao dịch, lưu hành tiền giả là bất hợp pháp vì nó vi phạm vào các quy định của Điều 180 Bộ luật Hình sự. Mặc dù biết là sai trái nhưng vẫn còn đó rất nhiều người lập ra các fanpage, group kín hoặc thậm chí là sử dụng cả tài khoản cá nhân trên Facebook để mua bán, trao đổi tiền giả công khai.
Chỉ cần search từ khóa “mua bán tiền giả” trên Facebook, bạn sẽ thấy có rất nhiều thông tin nói về vấn đề này. Trên các fanpage, đối tượng thường đưa ra rất nhiều hình ảnh về các cọc tiền mệnh giá 100.000 đồng, 200.000 đồng và 500.000 đồng, kèm theo đó là lời rao bán 1 triệu tiền thật = 4 triệu tiền giả (không phân biệt mệnh giá).

Mua tiền giả trên Facebook dễ như trở bàn tay ảnh 1
 Có rất nhiều fanpage, group kín mua bán tiền giả. Ảnh: MH

Trong khi đó, một số chỗ khác thì lại phân biệt rõ ràng từng loại như để mua được 5 triệu tiền giả thì bạn phải bỏ ra 1,5 triệu tiền thật (mệnh giá 100.000 đồng), 1,7 triệu tiền thật (mệnh giá 200.000 đồng) hoặc 1,3 triệu tiền thật (mệnh giá 500.000 đồng). Đa số các đối tượng này đều khẳng định đây là loại tiền giả giống đến 99% tiền thật, được sản xuất và vận chuyển từ Trung Quốc rồi đưa vào Việt Nam để tiêu thụ ở các vùng quê, nông thôn hẻo lánh.
Tất nhiên, khi nghe được những lời rao ngọt như mía lùi thì hẳn là sẽ có không ít người nổi lòng tham để rồi bị lừa mà không biết kêu ai. Theo đó, để mua được tiền giả, bạn cần phải đưa trước cho người bán 50% số tiền đặt cọc, sau đó sẽ có người đến giao “hàng”, và bạn có thể sử dụng thử trong vòng một tuần, nếu được thì thanh toán hết phần còn lại hoặc không thì có thể hoàn trả vô điều kiện. 

Mua tiền giả trên Facebook dễ như trở bàn tay ảnh 2
Mua bán, trao đổi công khai ngay trên Facebook.  Ảnh: MH 

Nghe thì rất hấp dẫn nhưng khi người viết đề nghị trực tiếp đến xem hàng và trả tiền luôn thì người bán không chịu, yêu cầu phải gửi tiền cọc trước bằng thẻ cào điện thoại, thẻ game hoặc thông qua các dịch vụ như PayPal chứ nhất định không bán trực tiếp và không cho chuyển khoản ngân hàng với lý do sợ bị lộ danh tánh.
Khi tìm hiểu kỹ thì đa số các bức ảnh chụp của những đối tượng buôn bán tiền giả đều là lấy trên mạng, hoặc không thì họ thường lấy tay che đi những vị trí đặc biệt trên tờ tiền để bạn không thể phân biệt được đâu là thật, đâu là giả.
Do đó, rất dễ để nhận ra đây chỉ là một hình thức lừa đảo kiểu mới, đánh vào tâm lý hám lợi của nhiều người để chiếm đoạt tiền thật. Bởi lẽ, nếu bạn làm theo và chuyển tiền cho họ thì chỉ ít phút sau, người bán sẽ lặn mất tăm, số điện thoại sẽ không liên lạc được còn Facebook thì bị xóa hoàn toàn.

Mua tiền giả trên Facebook dễ như trở bàn tay ảnh 3
 Hình chụp đều lấy từ trên mạng, hoặc bị che đi các phần đặc biệt. Ảnh: MH

Thêm vào đó, chỉ cần lướt sơ qua các bình luận của những thành viên được cho là đã mua thành công, thì đa số các tài khoản Facebook này rất sơ sài, thậm chí người nào cũng chỉ có ba người bạn, tất cả người này đều đang bình luận ở đây và liên quan đến nhau. Không khó để nhận ra đây chỉ là chiêu trò của người bán nhằm dụ dỗ và lôi kéo người khác.

Thực chất thì những người này đều không có tiền giả, mà chỉ lợi dụng lòng tham của một số người để gạt tiền. Tất nhiên là đã có rất nhiều người trở thành nạn nhận của họ nhưng vì hành vi mua bán tiền giả là bất hợp nên lỡ bị lừa rồi thì cũng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì không thể báo công an...

Mua tiền giả trên Facebook dễ như trở bàn tay ảnh 4
Những chiêu trò dụ dỗ và lôi kéo người khác. Ảnh: MH 

Khi gặp phải các trường hợp này, người dùng nên tỉnh táo và xem xét rõ ràng để tránh bị kẻ gian lợi dụng và gạt tiền. Đồng thời báo cáo với các cơ quan chức năng để họ có phương án xử lý kịp thời.

Đọc thêm