Vì sao Huawei sa thải nhân viên sau cáo buộc gián điệp?

Weijing Wang là nhân viên của Huawei tại Ba Lan, ông đã bị bắt cùng với một cựu quan chức cấp cao cách đây vài hôm vì các cáo buộc liên quan đến hoạt động gián điệp. Xem thêm tại http://bit.ly/huawei-bl.

Cơ quan chức năng đã tiến hành khám xét trụ sở của Huawei tại Ba Lan và nhà của hai nghi phạm. Họ đã lấy các tài liệu và dữ liệu điện tử từ văn phòng của Huawei. Dự kiến cả hai sẽ bị giam giữ ít nhất ba tháng và đối mặt với án tù 10 năm.

Vài ngày sau khi diễn ra vụ bắt giữ, Huawei đã sa thải Weijing Wang với lí do khiến công ty rơi vào tình trạng “mất đoàn kết”, đồng thời cho rằng các hành động của Wang không liên quan đến công ty. 

Huawei nhiều lần khẳng định công ty luôn tuân thủ tất cả các luật và quy định hiện hành tại các quốc gia, nơi nó đang hoạt động, đồng thời yêu cầu mọi nhân viên phải tuân thủ luật pháp và các quy định tại quốc gia nơi họ đặt trụ sở. Tuy nhiên, hành động lần này có vẻ trái ngược hoàn toàn với những lời khẳng định ban đầu, nhiều người cho rằng đây là động thái “vắt chanh bỏ vỏ” của Huawei. 

Người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Ba Lan cho biết nước này “rất quan tâm đến sự cố này”. Đồng thời mong muốn được sắp xếp một chuyến viếng thăm “càng sớm càng tốt” để bảo vệ quyền và lợi ích, sự an toàn và đối xử nhân đạo với những người liên quan. 

Hồi đầu tháng 12-2018, giám đốc tài chính (CFO) Mạnh Vãn Châu, con gái của người sáng lập Huawei đã bị bắt giữ ở Canada. Cô đã được tại ngoại nhưng phải đối mặt với một cuộc chiến pháp lí kéo dài về việc dẫn độ sang Mỹ. Chính phủ Mỹ cáo buộc rằng bà Mạnh đã giúp công ty né tránh các lệnh trừng phạt đối với Iran, tuy nhiên, Huawei luôn nhiều lần nói rằng họ không biết về hành động sai trái của bà Mạnh. 

Huawei là công ty viễn thông Trung Quốc được các quan chức chính phủ Mỹ xem là rủi ro an ninh quốc gia. Một số nước khác như Úc, New Zealand cũng đã ngăn chặn Huawei tham gia vào việc cung cấp thiết bị và xây dựng hệ thống mạng 5G. 

Hiện tại, Huawei đang phải đối mặt với nhiều vấn đề trên toàn cầu khi nhiều quốc gia đã cấm sử dụng thiết bị mạng của công ty vì lo ngại an ninh.

Tờ New York Posts cho biết bất kỳ hệ thống mạng nào được cài đặt bởi một công ty làm việc trực tiếp với chính phủ Trung Quốc đều có thể là gián điệp mạng. Tất nhiên, nguy hiểm không chỉ dừng lại ở đó khi nhiều quốc gia trên thế giới đang rục rịch triển khai mạng 5G (nhanh hơn 100 lần so với 4G). Mạng 5G sẽ nắm vai trò chủ đạo trong việc triển khai thành phố thông minh, các thiết bị thông minh và thậm chí là hệ thống vũ khí.

Huawei đã có hơn 25 hợp đồng thương mại trong việc triển khai 5G, tuy nhiên, một số quốc gia đã tạm ngừng sử dụng thiết bị của Huawei vì lo ngại gián điệp, đơn cử như Mỹ, Úc, New Zealand, Nhật Bản…

Việc kinh doanh điện thoại thông minh của Huawei đang phát triển khá tốt nhưng mảng thiết bị mạng lại đang đối mặt với nhiều khó khăn trong năm 2019, điều này đặc biệt nghiêm trọng khi đây là mảng sinh lời nhiều hơn so với điện thoại thông minh.

Bất chấp các cáo buộc, Huawei đã nhiều lần phủ nhận sự liên quan với chính phủ Trung Quốc về những vấn đề này. Bạn đọc quan tâm có thể tham khảo bài viết Năm 2019 có thể là khởi đầu cho sự kết thúc của Huawei tại địa chỉ http://bit.ly/huawei-2019.

Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết trên kynguyenso.plo.vn cho nhiều người cùng biết.

 

Đọc thêm