Trung Quốc bị cáo buộc ăn cắp bí mật của Apple

Rõ ràng điều này không phải là một cái gì đó quá mới mẻ, ở một mức độ nào đó, đây có thể coi như là cái giá của việc kinh doanh với nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. 

Tim Cook ghé thăm một cửa hàng Apple tại Trung Quốc. Ảnh: Internet

Cơ quan tình báo Mỹ và Bộ Tư pháp đã đưa ra một danh sách dài các chiến dịch gián điệp của Trung Quốc nhằm đánh cắp công nghệ của các công ty Mỹ. Mới đây, một kỹ sư của Apple đã bị bắt vì tội ăn cắp tài liệu mật liên quan đến xe hơi không người lái cho công ty khởi nghiệp Trung Quốc. Xiaolang Zhang (người Trung Quốc) đã bị giữ lại tại trạm kiểm soát an ninh sân bay quốc tế San Jose khi chuẩn bị lên chuyến bay về Trung Quốc. Anh bị các công tố viên Mỹ cáo buộc về việc lén tải xuống các dữ liệu độc quyền về xe hơi không người lái trước khi nghỉ việc tại Apple để chuyển sang làm việc cho Công ty Xiaopeng Motors.

Vì là kỹ sư phần cứng trong đội ngũ phát triển xe tự lái của Apple, Zhang được cấp quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu mật của công ty. Không lâu sau, Zhang cho biết sẽ nghỉ việc và về Trung Quốc làm cho Công ty Xmotors. Tuy nhiên, Apple đã nhận thấy sự bất thường khi Zhang đến công ty làm việc nhiều hơn trước khi nghỉ việc. Cục Điều tra liên bang (FBI) cho biết Zhang đã thừa nhận việc tải xuống các tài liệu mật về xe tự lái của Apple và lưu trữ trong laptop của vợ. 

Năm 2016, chính phủ Trung Quốc đã ban hành luật an ninh mạng, cung cấp cái nhìn rõ ràng hơn về bản chất kinh doanh tại đại lục. Cụ thể, các công ty hoạt động tại đây phải cung cấp cho chính phủ mã nguồn hoặc thông tin mã hóa có giá trị theo quy định. Apple, Microsoft và Google đều bày tỏ mối quan ngại, nhưng khi Trung Quốc bắt đầu triển khai vào năm 2017, phần lớn các công ty đều sẵn sàng tuân thủ.

Ngoài ra, luật này còn yêu cầu các công ty phải lưu trữ dữ liệu trên các dịch vụ đám mây thuộc sở hữu của Trung Quốc. Điều này làm dấy lên mối lo ngại liên quan đến việc bảo mật dữ liệu. Tuy nhiên, vào tháng 7-2017, Apple cho biết họ đang chuyển dữ liệu tại Trung Quốc sang một công ty có tên Guizhou-Cloud Big Data.

Trung Quốc sử dụng 200 triệu camera giám sát và phần mềm nhận dạng khuôn mặt để theo dõi dân số, có hệ thống tín dụng xã hội nghiêm ngặt. Nếu Trung Quốc được phép truy cập mã nguồn và thông tin mã hóa từ các công ty Mỹ, chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng dữ liệu đó để truy cập vào các cơ quan chính phủ, ngân hàng và các cơ sở khác cũng sử dụng công nghệ đó.

Các quan chức thực thi pháp luật đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về sự thâm nhập và gián điệp của Trung Quốc tại các cơ sở giáo dục của Mỹ. Giám đốc FBI Christopher A. Wray cho biết văn phòng đang theo dõi thận trọng khi chính phủ Trung Quốc mở rộng sự hiện diện tại các cơ sở của Mỹ theo nhiều cách, đơn cử như thông qua Viện Khổng Tử và các mối quan hệ đối tác nghiên cứu.

Dan Blumenthal, Giám đốc Viện Doanh nghiệp Mỹ tại châu Á, chia sẻ: “Cần có một chiến lược nhất quán, toàn diện để đẩy lùi mọi yếu tố xâm lược kinh tế Trung Quốc, bao gồm việc chống lại ZTE và Huawei”. Bạn đọc quan tâm có thể xem lại bài viết Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc ZTE trên bờ vực sụp đổ tại http://bit.ly/zte-sup-do.

Đáp lại những lời cáo buộc trên, Huawei phủ nhận mối quan hệ với Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc và tất cả cáo buộc xâm phạm trên Internet. Trong khi đó, chính quyền Mỹ đang tung ra một loạt  hành động để đối đầu với sự xâm lược kinh tế của Trung Quốc, đặc biệt là việc trộm cắp tài sản trí tuệ, chuyển giao công nghệ… Không chỉ riêng ở Mỹ, Huawei còn phải “đấu tranh” tại Úc khi có thông tin các nhà chức trách nước này sẽ cấm hãng công nghệ Trung Quốc tham gia vào việc xây dựng mạng di động 5G tại Úc.

Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết trên kynguyenso.plo.vn cho nhiều người cùng biết.

 

Đọc thêm