Những rủi ro tiềm ẩn khi mua hàng qua các trang mạng xã hội

Mối nguy hại khi mua hàng qua mạng xã hội

Không tốn tiền thuê mặt bằng, kinh doanh tiện lợi, không bị kiểm soát và hầu như không bị cơ quan chức năng kiểm tra. Đây là những lý do khiến cho hình thức kinh doanh qua mạng xã hội ngày càng phát triển rầm rộ. Chỉ cần ngồi một chỗ với chiếc máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối mạng, người tiêu dùng có thể mua được bất cứ thứ gì từ thực phẩm tươi sống đến đồ gia dụng, mỹ phẩm, quần áo thời trang… Nhưng cũng chính vì thế mà kéo theo nhiều hệ lụy của việc kiểm soát chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.

Không ít các trường hợp mua hàng qua mạng bị vỡ mộng bởi sản phẩm thực tế khác với sản phẩm được quảng cáo.

Chị Lê Thị Hồng (ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) từng gặp trường hợp như thế khi mua hàng qua Facebook. Chị cho hay khi thấy người bán hàng rao bán chả bò với giá 295.000 đồng/kg, rẻ hơn giá thị trường nên chị quyết định mua. Nhưng khi nhận hàng sản phẩm không được như mong đợi.

"Chả bò có mùi lạ, chất lượng cũng như hình thức không như lời quảng cáo và hình ảnh trên Facebook. Tôi có nhắn cho người bán và yêu cầu đổi trả sản phẩm. Nhưng họ vẫn đổi cho tôi chả bò tương tự. Vì ngại việc đổi qua đổi lại nhiều lần nên tôi đành bỏ luôn sản phẩm", chị Hồng cho biết.

Người tiêu dùng có thể dễ dàng mua bất kỳ sản phẩm nào trên mạng xã hội. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Không chỉ thế, khi mua hàng qua mạng xã hội, người tiêu dùng còn đứng trước nguy cơ mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, sai lệch về giá cả, xuất xứ... Đặc biệt, người mua hàng online còn có thể gặp các rủi ro bị lộ thông tin cá nhân hoặc từ các tổ chức, cá nhân lừa đảo...

Khó khăn cho nhà quản lý 

Ông Nguyễn Viết Hồng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM cho biết một trong những khó khăn lớn nhất của các cơ quan chức năng đối với việc bán hàng qua các trang mạng xã hội là kiểm tra nguồn gốc hàng hóa, danh tính thật của chủ thể kinh doanh và truy thu thuế.

Ông nhận định rất nhiều trường hợp người bán hàng không dùng danh tính thật khi kinh doanh trên các kênh mạng xã hội như Fanpage Facebook, trang cá nhân Facebook, Zalo… Do đó, những người này thường mơ hồ về thông tin trụ sở kinh doanh, thậm chí không có thông tin địa chỉ nơi bán hàng. Việc tìm ra danh tính thật của chủ thể kinh doanh cũng gây khó khăn không nhỏ cho việc rà soát, quản lý mô hình kinh doanh trên mạng, kiểm soát giá cả thị trường của cơ quan chức năng. Nhiều sản phẩm giống nhau nhưng được rao bán nhiều giá khác nhau, dẫn đến người tiêu dùng bị hoang mang không biết đâu là giá trị thật của sản phẩm… Ngoài ra, đa số khi mua hàng trên mạng người mua không có xuất hóa đơn chứng từ đối với số hàng đã bán cho người mua. Các cơ quan chức năng cũng không phải lúc nào cũng có đủ biện pháp để tìm ra nguồn gốc xuất xứ thật của sản phẩm do khó tiếp cận nơi kinh doanh, kho hàng hóa, sản phẩm…

"Do không minh bạch về danh tính, trụ sở kinh doanh, giá cả hàng hóa, sản phẩm, hóa đơn chứng từ mua hàng,... nên việc thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh online hiện nay vẫn là một bài toán khó giải quyết đối với các cơ quan thuế. Dù đã có một số trường hợp được phát hiện và yêu cầu truy thu thuế, nhưng số lượng những trường hợp bị phát hiện, xử phạt, truy thu thuế so với thực tế thì không thấm vào đâu. Và Nhà nước đang thất thu thuế rất lớn từ hoạt động mua sắm thông qua mạng Internet này", ông Hồng cho hay.

Lời khuyên cho người tiêu dùng

Để giảm thiểu những rủi ro khi mua hàng trên trang mạng xã hội, ông Nguyễn Viết Hồng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM đưa ra một số điểm lưu ý:

Trước tiên người tiêu dùng hãy chỉ nên mua hàng online trên những website đã được xác thực bởi Bộ Công Thương. Còn khi mua hàng trên trang mạng xã hội, hãy tìm kiếm xem người bán có website thương mại điện tử hoặc website doanh nghiệp nào không. Vì khi họ đã kinh doanh online bài bản, hầu như là họ sẽ cần cung cấp thông tin cụ thể, chính xác, đầy đủ trên website doanh nghiệp, mạng xã hội chỉ được xem như là kênh bán hàng phụ, hoặc công cụ marketing để quảng bá thương hiệu sản phẩm, tiếp cận khách hàng.

Khi mua hàng cũng nên tìm hiểu trước về giá cả sản phẩm, nếu quá rẻ hoặc có giá bất thường, người tiêu dùng nên tìm cách liên hệ với cửa hàng để tìm hiểu lý do, cũng như yêu cầu xem xét hàng hóa trước khi thanh toán... yêu cầu có hóa đơn mua hàng để lưu lại làm căn cứ xử lý khi có vấn đề xảy ra liên quan đến hàng hóa, sản phẩm.

Đọc thêm