Hàng giả tràn ngập trên Lazada, Shopee, Zalo nhân ngày 11-11

Nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng cao, kéo theo đó là những rủi ro liên quan đến bảo mật, chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Đã có không ít trường hợp người dùng phải ngậm quả đắng khi mua hàng giá rẻ trên các trang thương mại điện tử (TMĐT).

Vấn đề hàng giả, hàng nhái trên các trang thương mại điện tử vốn chẳng phải là mới. Việc lỏng lẻo trong khâu tạo gian hàng, kiểm duyệt sản phẩm đã giúp những mặt hàng kém chất lượng có cơ hội phát triển mạnh. 

Hiện nay, người tiêu dùng có rất nhiều cách để mua hàng trực tuyến như thông qua các sàn giao dịch TMĐT, mạng xã hội, chương trình quảng cáo trên tivi. Về cơ bản, việc mua sắm trực tuyến sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian, dễ dàng so sánh giá cả ở nhiều nơi… Tuy nhiên, hình thức này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro bởi người dùng sẽ không thể nhìn hoặc cầm trực tiếp sản phẩm để đánh giá hình dáng, màu sắc và chất lượng. Do đó, rủi ro đầu tiên chính là hàng hóa nhận được không giống với quảng cáo.

Sử dụng hình ảnh, tiêu đề lập lờ và mức giá rẻ nhằm đánh lừa người dùng. Ảnh: TIỂU MINH

Đơn cử như khi truy cập vào danh mục các sản phẩm khuyến mãi trong ngày 11-11 trên Lazada, bạn sẽ thấy có rất nhiều sản phẩm được làm nhái những thương hiệu nổi tiếng như JBL, Bose... Ví dụ như hình bên dưới, người bán đã cố tình sử dụng hình ảnh loa JBL Charge 3, đăng tiêu đề lập lờ và rao bán thiết bị với mức giá cực rẻ chỉ 219.000 đồng, trong khi thực tế giá của sản phẩm này phải gần hoặc hơn 2 triệu đồng tùy từng nơi bán.

Nhiều khách hàng phản ánh về việc nhận hàng không giống như hình, chất lượng sản phẩm kém... Ảnh: TIỂU MINH

Tương tự, trang thương mại điện tử Shopee cũng tràn ngập hàng giả, hàng nhái mang danh nghĩa hàng xách tay cao cấp loại 1, hàng Đài Loan. Đơn cử như điện thoại Oppo F9, sản phẩm được rao bán với mức giá siêu rẻ chỉ 1,9 triệu đồng trong khi hàng chính hãng phải lên đến 7,6 triệu đồng, thậm chí cả hàng xách tay cũng không thể có mức giá siêu rẻ như trên. Trước đó còn có Galaxy S9, iPhone X, iPhone 7 Plus... với mức giá chỉ 2,5-3,7 triệu đồng.

Rất khó để kiểm soát vấn đề hàng nhái, hàng giả trên các trang thương mại điện tử. Ảnh: TIỂU MINH

Nếu sử dụng Zalo thường xuyên, không khó để tìm thấy những sản phẩm nhái như Nokia 8110 có giá chỉ 399.000 đồng (hàng thật giá 1,4 triệu đồng)... Bạn đọc quan tâm có thể tham khảo bài viết Cách phân biệt Nokia 8810 4G thật và giả tại địa chỉ http://bit.ly/nokia-8810.

Nếu là một người am hiểu thị trường và công nghệ, bạn có thể nhận ra ngay đây chỉ là các sản phẩm nhái có xuất xứ từ Trung Quốc. Tuy nhiên, không phải ai cũng có kiến thức và đủ khả năng phân biệt hàng giả, hàng nhái thông qua mức giá vô lý như vậy, nhất là những người có ít điều kiện tiếp xúc với các sản phẩm cao cấp.

Đối với các mặt hàng như đồng hồ, giày dép, đồ thời trang, không khó để nhận ra hàng giả dựa vào mức giá. Tuy nhiên, khá nhiều người vẫn còn thói quen ham rẻ nên khi thấy giá rẻ là đặt mua mà không quan tâm đến phần đánh giá của những người mua trước. Hàng giả sẽ cho trải nghiệm tệ, lỗi vặt và gây ức chế trong quá trình sử dụng. Chưa kể đến việc khi mua nhầm hàng giả, người dùng sẽ có cái nhìn không tốt về thương hiệu đó, ảnh hưởng đến nhà sản xuất và những cửa hàng làm ăn chân chính.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena, cho biết: “Để an toàn khi mua sắm trực tuyến, bên cạnh nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước, người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những trang web uy tín, được cấp phép hoạt động và có thông tin rõ ràng (địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế…). Tìm hiểu kỹ về các điều khoản liên quan đến bảo hành, trả hàng, hoàn tiền và giao nhận”.

Hệ lụy từ hàng nhái, hàng giả là bản thân các hãng sản xuất sẽ bị mất uy tín, niềm tin của người dùng vào thương mại điện tử sẽ bị sụt giảm (vốn đã rất thấp). Trong bài viết tiếp theo, kynguyenso.plo.vn sẽ giới thiệu một số mẹo đơn giản để người dùng tránh mua nhầm hàng giả, hàng nhái.

Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết trên kynguyenso.plo.vn cho nhiều người cùng biết.

 

Đọc thêm