Facebook chia sẻ dữ liệu cho Huawei và Lenovo

Việc này đã làm dấy lên mối lo ngại về an ninh và nguy cơ bị đánh cắp dữ liệu. Trong danh sách này còn có Lenovo, Oppo và TCL. Đây là bốn trong số 60 công ty trên thế giới có quyền truy cập vào dữ liệu người dùng sau khi ký hợp đồng với Facebook, theo Reuters.

Các thành viên của Quốc hội Mỹ bày tỏ quan ngại sâu sắc khi tờ New York Times đưa tin về vụ việc. Nhiều người khá giận dữ khi dữ liệu của họ và bạn bè bị sử dụng mà không cần sự cho phép. 

Facebook ngay lập tức phủ nhận vấn đề và cho biết sẽ sớm kết thúc thỏa thuận với Huawei vào cuối tuần này, cũng như với ba công ty Trung Quốc khác trong danh sách. 

Thượng nghị sĩ Mark Warner, Phó Chủ tịch Ủy ban Tình báo, đã đặt câu hỏi cho Facebook về việc công ty cung cấp đặc quyền cho các nhà sản xuất thiết bị Trung Quốc như Huawei và TCL, làm thế nào để đảm bảo rằng những thông tin cá nhân của người dùng không được gửi đến máy chủ Trung Quốc. Trong khi đó Huawei, ZTE… và một số công ty viễn thông Trung Quốc khác liên tục bị các quan chức tình báo Mỹ cáo buộc ăn cắp dữ liệu người dùng và đe dọa cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ. 

Francisco Varela, Phó Chủ tịch đối tác di động của Facebook, cho biết: “Sự tích hợp của Facebook với Huawei, Lenovo, Oppo và TCL đã được kiểm soát ngay từ khi bắt đầu. Chúng tôi muốn làm rõ rằng tất cả thông tin của người dùng đều lưu trữ trên thiết bị chứ không phải trên các máy chủ của Huawei”. Cũng giống như nhiều công ty công nghệ khác, Facebook hợp tác với các nhà sản xuất Trung Quốc để tích hợp dịch vụ của họ vào điện thoại trước khi bán ra thị trường.

Thượng nghị sĩ John Thune (Chủ tịch đảng Cộng hòa) và Bill Nelson (đảng Dân chủ) cho biết các nhà sản xuất có thể truy cập dữ liệu của người dùng ngay cả khi bạn từ chối cho phép chia sẻ thông tin với các bên thứ ba. Trước đó không lâu, Lầu Năm Góc cũng ra lệnh cho các cửa hàng bán lẻ bên trong những căn cứ quân sự ngừng bán điện thoại Huawei và ZTE vì những rủi ro bảo mật. 

Các quan chức chính phủ Mỹ cho rằng Trung Quốc có thể ra lệnh cho các nhà sản xuất smartphone tích hợp sẵn backdoors (một dạng phần mềm chuyên mở "cửa hậu" nhằm đánh cắp thông tin) bên trong thiết bị nhằm mục đích gián điệp và ăn cắp dữ liệu người dùng, tuy nhiên cả Huawei và ZTE đều phủ nhận việc này. Trong một cuộc họp vào tháng 2 vừa qua, sáu quan chức thuộc các cơ quan tình báo của Mỹ đã cảnh báo người dân không nên sử dụng các sản phẩm và dịch vụ của Huawei và ZTE vì lo ngại nguy cơ gián điệp.

Mặc dù ZTE không nằm trong số các công ty nhận được quyền truy cập vào dữ liệu Facebook nhưng nó luôn là mối quan tâm về an ninh quốc gia của Mỹ. Ngoài bốn công ty Trung Quốc kể trên, Facebook còn chia sẻ dữ liệu với Amazon, Apple, Blackberry, HTC, Microsoft, Samsung…

Các nhà quản lý và chính quyền ở một số nước đã tăng cường giám sát Facebook sau khi công ty làm rò rỉ dữ liệu của 87 triệu người dùng trong vụ Cambridge Analytica. 

Mới đây, chính phủ Papua New Guinea đã chính thức cấm Facebook, đồng thời mong muốn tạo ra một trang mạng xã hội để thay thế. Quyết định cấm Facebook vừa được xác nhận bởi ông Sam Basil - Bộ trưởng Truyền thông của Papua New Guinea. Theo đó, Facebook sẽ bị cấm hoạt động trong bốn tuần tại quốc gia này. Lệnh cấm nhằm mục đích buộc Facebook phải thắt chặt chính sách với các tài khoản giả mạo và vấn đề phim khiêu dâm trên mạng xã hội.

Tại Việt Nam, theo thống kê, ba nhà mạng hàng đầu gồm Viettel, MobiFone, VinaPhone đều đã lắp đặt trên dưới 30.000 trạm BTS khắp toàn quốc được cung cấp bởi Huawei và ZTE. Lý giải cho việc này, đại diện một nhà mạng lớn cho biết: "Do giá bỏ thầu của hai công ty quá rẻ, các nhà cung cấp khác không đấu lại được, trong khi với cơ chế đấu thầu của mình thì không chọn họ không được".

Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết cho nhiều người cùng biết.

 

Đọc thêm