Co-opBank bị tin tặc đòi 2,3 tỉ đồng tiền chuộc?

Cụ thể, tối 13-10-2018, trang web của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam hiển thị lời nhắn với nội dung như sau: “Trang web đã bị hack bởi Sogo Nakamoto. Tôi có toàn bộ cơ sở dữ liệu của 275.000 người dùng và WHM (Web Host Manager)”. Tin tặc cũng đòi 100.000 USD tiền chuộc (khoảng 2,3 tỉ đồng) và trả bằng bitcoin.

Nội dung tin tặc để lại trên trang web của ngân hàng. Ảnh: TIỂU MINH

Đến thời điểm hiện tại, trang web của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam vẫn không thể truy cập, phía ngân hàng cũng chưa có thông tin chính thức về vụ việc trên.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena, cho biết: “Trong trường hợp này trang web của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đã bị tin tặc tấn công, không loại trừ khả năng dữ liệu người dùng sẽ bị chuyển ra ngoài. Khi những thông tin này được công khai trên mạng, công việc sản xuất, kinh doanh, thậm chí cả những hoạt động thường ngày của người tiêu dùng cũng có thể bị ảnh hưởng. Thêm vào đó, nếu để lộ thông tin khách hàng, ngân hàng phải bồi thường thiệt hại”.

Trang web của ngân hàng vẫn gặp sự cố khi truy cập. Ảnh: TIỂU MINH

Theo ghi nhận, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam sử dụng Wordpress để xây dựng website mà không có giải pháp riêng. Trước đó không lâu, trang web của Ngân hàng Vietcombank cũng gặp tình trạng tương tự và bị chèn hai câu thơ ở cuối trang: “Trăm năm Kiều vẫn là Kiều, sinh viên thi lại là điều tất nhiên”.

Bên cạnh vấn đề bảo mật của ngân hàng, người dùng cũng cần chủ động sử dụng mật khẩu mạnh và VPN để hạn chế bị tấn công, cụ thể:

- Xem xét cẩn thận tất cả email, đồng thời cảnh giác với các email yêu cầu chuyển khoản, gửi thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP...

- Nếu là doanh nghiệp, bạn cần theo dõi các thay đổi đáng ngờ trên hợp đồng. Trong trường hợp nghi ngờ giả mạo, người dùng nên liên hệ với đối tác thông qua điện thoại hoặc một kênh giao tiếp tin cậy khác để xác thực thông tin.

- Với những người mới bắt đầu kinh doanh, bạn có thể tham khảo thông tin từ các ngân hàng hoặc tổ chức đánh giá tín nhiệm quốc tế, đơn cử http://www.dnb.com, http://dnbvietnam.com/vi/, cung cấp dịch vụ tra cứu đối với thông tin thương mại của hàng triệu doanh nghiệp trên toàn cầu.

Ngoài ra, người dùng cần phải cảnh giác hơn với những tin nhắn lừa đảo thông báo trúng thưởng qua SMS, Facebook, điện thoại… Có thể thấy hành vi của kẻ gian ngày càng tinh vi và liều lĩnh hơn, hãy nhớ một điều là tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng hay địa chỉ email cho người khác.

Đồng thời, khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền trực tuyến, hãy để ý đến liên kết trang xem có đúng hay chưa, thường thì các trang web của ngân hàng sẽ sử dụng giao thức bảo mật HTTPS nên ở phần đầu địa chỉ sẽ có biểu tượng ổ khóa màu xanh lá, nghĩa là an toàn.

Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết trên Kynguyenso.plo.vn cho nhiều người cùng biết.

Đọc thêm