'Gã khổng lồ tìm kiếm' Google tròn 16 tuổi

Mặc dù tên miền google.com được 2 nhà sáng lập Sergey Brin và Larry Page đăng ký vào ngày 15/9/1997, nhưng công ty lại được chính thức thành lập vào ngày 4/9/1998. Tuy nhiên, không hiểu lý do tại sao, Google lại thường chọn ngày 27/9 hàng năm để tổ chức sinh nhật của mình.
Logo đặc biệt mừng sinh nhật lần thứ 16 của Google
Logo đặc biệt mừng sinh nhật lần thứ 16 của Google
Đã từng có những thời điểm Google tổ chức sinh nhật của mình vào ngày 7/9, tuy nhiên những năm trở lại đây, Google đã chuyển sang sử dụng ngày 27/9 để làm ngày sinh nhật chính thức của công ty.
Sự ra đời của Google được xem là một trong những bước ngoặc quan trọng nhất trong lịch sử Internet. Hầu như tất cả mọi người trong chúng ta, không ai không sử dụng đến công cụ tìm kiếm của Google hay một dịch vụ nào đó của Google ít nhất một lần trong ngày.
Ngày 4/9/1998, Larry Page và Sergey Brin, khi đó là 2 nghiên cứu sinh tiến sĩ tại trường đại học Stanford (Mỹ) đã cùng nhau lập ra công ty Google Inc, công ty công nghệ mà sự ra đời của nó đã làm thay đổi cả lịch sử Internet. Ban đầu, Google chỉ là một dự án nghiên cứu của Page và Brin trong quá trình theo học.
Nhân sự kiện Google chính thức tròn 16 tuổi, cùng nhìn lại những cột mốc đáng nhớ và những sự thật thú vị về “gã khổng lồ công nghệ” này mà không phải ai cũng biết:
- Cũng giống như nhiều hãng công nghệ lớn khác như Microsoft hay Apple, Google cũng được ra đời bên trong một gara ô tô. Đó là gara được 2 nhà sáng lập của Google thuê của gia đình Susan Wojcicki, hiện đang là CEO của Youtube, một trang web của Google.
2 nhà đồng sáng lập của Google trong những ngày đầu thành lập công ty
2 nhà đồng sáng lập của Google trong những ngày đầu thành lập công ty
- Tên sơ khai của Google là BackRub: Trong giai đoạn từ năm 1996 đến 1997, Sergey Brin và Larry Page xây dựng một công cụ tìm kiếm với tên gọi BackRub. Sau đó, dự án này đã được mở rộng thành Google của ngày nay.
- Craig Silverstein, một nghiên cứu sinh tiến sĩ khác tại Stanford đã trở thành nhân viên đầu tiên của Google. Silverstein làm việc tại Google trong hơn 10 năm trước khi chuyển sang công ty khác.
Craig Silverstein, nhân viên chính thức đầu tiên của Google
Craig Silverstein, nhân viên chính thức đầu tiên của Google
- Trên thực tế, ban đầu Sergey Brin và Larry Page dự định đặt tên gọi “Googol” cho công cụ tìm kiếm của mình. Tuy nhiên các nhà đầu tư trong khi điền séc để đầu tư vào công ty này đã điều sai tên thành “Google”. Và cái tên này tồn tại cho đến ngày nay.
Sở dĩ 2 nhà đồng sáng lập muốn gọi tên công ty là “Googol” vì đây là 1 cách chơi chữ cho từ “gooogol”, với ý nghĩa của số 1 kèm theo 100 số 0 đằng sau, với hàm ý nhiệm vụ của họ để tạo nên 1 số lượng vô hạn các nguồn tài nguyên trên trang web của mình. Và thực sự họ đã làm được.
- 2 nhà đồng sáng lập Sergey Brin và Larry Page đã xây dựng chiếc máy chủ đầu tiên cho Google và chứa nó trong một chiếc hộp máy tính được lắp ghép từ trò chơi Lego. Trước đó trong thời còn là học sinh phổ thông, Larry Page cũng đã từng sử dụng Lego để lắp ráp nên một chiếc máy in phun.
Chiếc máy chủ bằng Lego do 2 nhà đồng sáng lập Google lắp ráp
Chiếc máy chủ bằng Lego do 2 nhà đồng sáng lập Google lắp ráp
- Cả Larry Page lẫn Sergey Brin đều không giỏi trong việc sử dụng ngôn ngữ lập trình web HTML, do vậy, trang chủ của đầu tiên của Google khá sơ sài. Với giao diện đơn giản này, trong lần thử nghiệm đầu tiên, những người sử dụng thử đã không biết trang chủ của Google đã thực sự load hết hay chưa. Để khắc phục tình trạng này, một thông điệp bản quyền của Google được chèn vào phía cuối trang để thông báo cho người dùng biết rõ, trang web đã được load xong.
Trang web sơ khai lúc mới thành lập của Google
Trang web sơ khai lúc mới thành lập của Google
- Chỉ 1% số người sử dụng tiến hành tìm kiếm kết quả bằng cách bấm vào nút “Tôi cảm thấy may mắn” (‘I’m Feeling Lucky’). Đây là nút bấm mà người dùng “thử vận may” để truy cập thẳng vào trang web đầu tiên có trong kết quả tìm kiếm thay vì hiển thị danh sách kết quả khi tìm kiếm. Tuy nhiên, thậm chí nhiều người dùng còn không biết đến chức năng này của Google.
Giờ đây nút bấm này đã được chuyển sang tên gọi “Xem trang đầu tiên tìm được”.
- Một điều khá thú vị là hiện tại, trang chủ của Google vẫn đang còn ghi nhận sự tồn tại của 28 lỗi về mã lập trình. Số lượng lỗi đến thời điểm này nhiều hơn 23 lỗi phát hiện được trong năm 2013.
Trang chủ của Google đến nay vẫn còn tồn tại một vài lỗi HTML
Trang chủ của Google đến nay vẫn còn tồn tại một vài lỗi HTML
- Từ ‘google’ đã trở thành một động từ vào năm 2006, khi cả từ điển tiếng Anh ‘Merriam Webster Collegiate Dictionary’ của Mỹ lẫn từ điển Oxford của Anh đều công nhận. Từ này mang nghĩa hãy sử dụng Google để tìm kiếm thông tin từ Internet.
- Trong khi các trang web trên thế giới đều mong muốn người dùng ghé thăm trang web của mình càng lâu càng tốt thì Google có lẽ là trang web duy nhất mong muốn rút ngắn thời gian người dùng ghé thăm trang web của mình. Google đã liên tục cải tiến công nghệ và tính năng để giúp tăng tốc độ tìm kiếm trên Google.com để giúp người dùng chuyển đến trang web cần tìm kiếm một cách nhanh chóng nhất.
- “Don’t be evil” là câu khẩu hiệu không chính thức của Google. Đây cũng được xem là triết lý của Google, ám chỉ rằng bạn vẫn có thể làm ra tiền mà không cần phải trở thành kẻ xấu. Khẩu hiệu này được đặt ra bởi Paul Buchheit, người sáng lập và phát triển dịch vụ Gmail của Google. “Don’t be evil” ngày nay đã trở thành một slogan nên rất phổ biến trên thế giới ảo và các mạng xã hội
Trang chủ của Google đến nay vẫn còn tồn tại một vài lỗi HTML
Motorola là thương vụ tốn kém nhất của Google, cả về số tiền bỏ ra để mua lại và số tiền Google chịu lỗ để bán công ty
- Kể từ năm 2010, trung bình mỗi tuần Google thâu tóm một công ty. Trong số các công ty đã được Google thâu tóm thành công nhất có thể kể đến Youtube và Android. “Bom tấn” lớn nhất chính là thương vụ thâu tóm bộ phận di động của Motorola với giá lên đến hơn 12 tỷ USD, tuy nhiên sau đó Google đã bán lại Motorola cho Lenovo với giá chỉ 2,91 tỷ USD.
- Hiện Google được đánh giá là một trong những công ty có môi trường làm việc tốt nhất và được xem công ty có nhiều công nghệ mang tính cách mạng nhất, vượt qua cả Apple. Trong số các dự án Google đang phát triển có những dự án mang tính tương lai, chẳng hạn như kính thông minh Google Glass, dự án xe tự lái hay dự án phủ sóng wifi trên toàn cầu bằng khinh khí cầu…
Theo Phạm Thế Quang Huy (Dân Trí)

Đọc thêm