Việt Nam sẽ hưởng lợi từ tuyến cáp ngầm 300 triệu USD mà Google đang xây dựng

Tuyết cáp quang ngầm với tên gọi FASTER là sản phẩm hợp tác giữa Google với 5 nhà mạng lớn tại châu Á, bao gồm KDDI (Nhật Bản), China Telecom, China Mobile International (Trung Quốc), SingTel (Singapore) và Global Transit (Malaysia). Ngoài ra còn có sự tham gia của hãng công nghệ NEC (Nhật Bản) với vai trò nhà cung cấp chính và điều hành dự án.
Tuyến cáp quang sẽ kết nối các thành phố lớn ở phía tây của Mỹ, bao gồm Los Angeles, San Francisco, Portland và Seattle với 2 thành phố Chikura và Shima của Nhật Bản. Sau khi hoàn thành, tuyến cáp quang có khả năng truyền tải dữ liệu với tốc độ lên đến 60 Tb/s (Terabits/giây), gấp 10 triệu lần tốc độ truyền tải của mạng cáp thông thường.
Sơ đồ tuyến cáp ngầm FASTER nối liền từ Mỹ đến Nhật Bản
Sơ đồ tuyến cáp ngầm FASTER nối liền từ Mỹ đến Nhật Bản
“Đôi khi con đường nhanh nhất phải băng qua đại dương, đó là lý do tại sao chúng tôi đầu tư vào tuyến cáp quang FASTER, tuyết cáp sẽ kết nối giữa các thành phố lớn ở phía Tây nước Mỹ với 2 thành phố của Nhật Bản”, Urs Holzle, Phó chủ tịch phụ trách cơ sở hạ tầng của Google cho biết. “FASTER sẽ giúp cho tốc độ Internet trở nên nhanh hơn, tốt hơn và ổn định hơn cho người dùng của chúng tôi tại châu Á”.
NEC cho biết tuyến cáp quang này nhằm đáp ứng nhu cầu trả đổi dữ liệu ngày càng nhiều của người dùng Internet giữa 2 bờ Thái Bình Dương. Tuyến cáp quang sau khi được kết nối tại 2 thành phố Chikura và Shima của Nhật Bản sẽ tiếp tục kết nối với những hệ thống cáp lân cận để mở rộng dung lượng truy cập Internet đến khắp châu Á. Điều này đồng nghĩa với việc các quốc gia châu Á, trong đó có cả Việt Nam, sẽ được hưởng lợi từ tuyến cáp quang này.
“Thỏa thuật đạt được hôm nay sẽ mang lại lợi ích đến toàn thể người dùng Internet trên toàn cầu”, Woohyong Choi, Chủ tịch Ủy ban điều hành tuyến cáp quang FASTER cho biết.
Tuyến cáp quang FASTER sẽ được triển khai xây dựng ngay sau khi thỏa thuận đạt được và dự kiến sẽ hoàn thành vào nửa sau của năm 2016.
Dĩ nhiên Google hoàn toàn có lý do để đầu tư 300 triệu USD xây dựng tuyến cáp quang ngầm dưới biển này để nối liền Mỹ với châu Á, nhất là khi châu Á đang là thị trường có lượng người dùng Internet nhiều nhất thế giới.
Tuyến cáp quang FASTER sẽ mang lại lợi ích cho Google, giúp “gã khổng lồ tìm kiếm” phục vụ tốt hơn cho người dùng của mình tại khu vực châu Á và kết nối dễ dàng hơn giữa các trung tâm dữ liệu của Google đặt tại Mỹ và châu Á.
Đây không phải là tuyến cáp ngầm xuyên biển đầu tiên do Google đầu tư. Trước đó, tuyến cáp ngầm với tên gọi “Unity” nối liền Nhật Bản và Mỹ do Google đầu tư cũng đã đưa vào hoạt động vào năm 2010, tuy nhiên lưu lượng tuyến cáp này không thể so sánh với tuyến cáp FASTER mới được công bố. Năm ngoái, một tuyến cáp ngầm khác do Google đầu tư nối liền giữa Thái Lan, Philippines với Nhật Bản cũng đã được đưa vào hoạt động.
“Tại Google chúng tôi muốn sản phẩm của mình hoạt động nhanh và ổn định, do đó đòi hỏi một hệ thống cấu trúc hạ tầng mạng vững mạnh để đáp ứng nhu cầu của hàng tỷ người dùng”, Google cho biết trong một thông báo được đưa ra.
Ước tính hiện có khoảng 200 hệ thống cáp quang ngầm dưới đáy biển trên khắp thế giới, giúp truyền tải 95% lương lượng Internet trên toàn cầu. Trong năm 2013, các hệ thống cáp quang ngầm dưới biển đã truyền tải 51 tỷ GB (GigaBytes) mỗi tháng và ước tính con số này sẽ tăng lên 132 tỷ GB trong vòng 4 năm tới.
Hiện tại lưu lượng Internet tại Việt Nam chủ yếu thông qua tuyến cáp quang biển AAG (Asia America Gateway), tuy nhiên tuyến cáp quang này thường xuyên gặp sự cố khiến việc truy cập Internet tại Việt Nam bị ảnh hưởng mỗi khi có sự cố xảy ra.
Theo T.Thủy (Dân Trí)

Đọc thêm