Đi tìm nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của “đế chế” Nokia

Thương vụ Microsoft mua lại bộ phận sản xuất thiết bị di động của Nokia đã chính thức khép lại vào ngày 25/4 vừa qua. Mặc dù Microsoft phải bỏ ra số tiền ước tính 7,5 tỷ USD, lớn hơn mức giá 7,2 tỷ USD ban đầu, để mua lại Nokia (bao gồm bộ phận sản xuất thiết bị và các bản quyền sáng chế do Nokia nắm giữ), mức giá này vẫn được xem là rẻ với biểu tượng một thời trên làng di động, nếu so với mức giá 12,5 tỷ USD mà Google mua Motorola trước đây hay Facebook mua lại WhatsApp với mức giá 19 tỷ USD gần đây…
Nokia từng được xem là “thế lực không thể bị đánh bại” trên thị trường điện thoại di động khi liên tục đứng đầu về doanh số, kéo dài từ tận năm 1998 đến 2012, cho đến khi bị Samsung “vượt mặt”. Tuy nhiên, sự tụt dốc nhanh chóng đến khó tin của Nokia bắt đầu kể từ thời điểm Stephen Elop, một cựu giám đốc của Microsoft, chính thức được ngồi vào chiếc ghế CEO của Nokia từ tháng 9/2010.
Bổ nhiệm Stephen Elop vào ghế CEO là một trong những quyết định mang tính bước ngoặc của Nokia
Bổ nhiệm Stephen Elop vào ghế CEO là một trong những quyết định mang tính bước ngoặc của Nokia
Chỉ trong vòng 3 năm dẫn dắt hãng điện thoại Phần Lan, tính đến tháng 9/2013, là thời điểm Microsoft thông báo về thương vụ thâu tóm Nokia, doanh thu của hãng điện thoại này đã sụt giảm đến 40%, lợi nhuận sụt giảm xuống 95% so với thời kỳ trước đó. Thị phần của Nokia trên thị trường smartphone sụt giảm từ 34% xuống còn 3,4%. Xếp hạng tín dụng của Nokia đã bị tụt từ mức A xuống đến mức “rác”. Giá trị cổ phiếu của Nokia sụt giảm đi 60% so với thời kỳ đỉnh cao khiến giá trị vốn hóa của Nokia sụt giảm 13 tỷ USD.
Trong nhiệm kỳ của mình tại Nokia, Stephen Elop là cái tên quen thuộc trong danh sách “những CEO tệ nhất thế giới” được bình chọn bởi các tờ báo uy tín. Một điều khá ngạc nhiên, nếu tính về số lương và thưởng mà Stephen Elop nhận được tại Nokia, thì vị CEO này trung bình nhận được 1 tỷ Euro… cho mỗi 1,5 tỷ Euro giá trị thị trường mà Nokia bị đánh mất, một con số trái ngược đáng ngạc nhiên.
Một trong những quyết định gây tranh cãi của Stephen Elop đó là từ bỏ nền tảng MeeGo đang có nhiều tiềm năng do Nokia phát triển để  chuyển sang sử dụng nền tảng Windows Phone của Microsoft.
Sự chỉ trích nhằm vào Stephen Elop càng tăng cao hơn khi vào 9 năm ngoái, có thông tin Elop từ chối giảm mức tiền thưởng  mà mình sẽ được nhận sau khi thương vụ Microsoft và Nokia được thực hiện, bất chấp việc Nokia đề nghị Elop giảm mức tiền thưởng này để giảm khó khăn về tài chính cho công ty. Stephen Elop ước tính sẽ “đút túi” 25 triệu USD sau khi thương vụ giữa 2 bên được thực hiện.
Nhiều người xem Stephen Elop chính là “gián điệp công nghệ” mà Microsoft cài vào Nokia, khiến Nokia càng lâm vào khủng hoảng để Microsoft dễ dàng hơn trong việc thâu tóm công ty này. Nếu điều này là sự thật, thì câu hỏi đặt ra là tại sao ban lãnh đạo Nokia không nhận ra điều đó để thay thế Stephen Elop trước khi quá muộn, để giờ đây Nokia buộc phải “bán mình” trong sự tiếc nuối của các tín đồ công nghệ?
Stephen Elop tự tin vào cơ hội lớn của Nokia sau khi thành “người nhà” của Microsoft
Sau khi thương vụ giữa Nokia và Microsoft hoàn tất, Stephen Elop sẽ trở về làm việc trở lại tại Microsoft với vai trò phó chủ tịch phụ trách mảng phát triển thiết bị của Microsoft. Có vẻ như, hơn ai hết Stephen Elop vẫn là người lạc quan và cảm thấy vui mừng sau khi Nokia trở thành “người nhà” của Microsoft.
Stephen Elop có thể là người vui mừng nhất sau khi Nokia thành “người nhà” của Microsoft
Stephen Elop có thể là người vui mừng nhất sau khi Nokia thành “người nhà” của Microsoft
Trong bức thư ngỏ gửi đến nhân viên của Nokia và Microsoft sau khi thương vụ được hoàn tất, Stephen Elop cho biết sự tin tưởng của mình về khả năng vực dậy của Nokia sau khi đã trở thành một bộ phận của Microsoft.
“Kể từ ngày hôm nay trở đi, mọi cơ hội với Nokia là vô tận. Bây giờ, chúng ta là một”, Stephen Elop tuyên bố về thương vụ mới hoàn tất giữa Nokia và Microsoft. “Cốt lõi của chúng ta là sự đam mê xây dựng những công nghệ làm thay đổi thế giới. Từ tầm nhìn ban đầu của Microsoft về việc đặt một chiếc máy tính cá nhân tại mọi gia đình và trên mọi bàn làm việc, đến Nokia kết nối hàng tỷ người dùng với nhau thông qua các thiết bị di động”.
“Cùng với nhau (Microsoft và Nokia), chúng ta có thể kết nối và mang đến cho con người một trải nghiệm trong một thế giới ưu tiên hàng đầu về di động và đám mây”, Elop cho biết thêm.
Trong khi đó về phần mình, Microsoft cho biết hãng vẫn chưa có quyết định cuối cùng về tên gọi mới cho Nokia sau khi hãng điện thoại Phần Lan sáp nhập thành một bộ phận của Microsoft.
Trước đó có nhiều thông tin cho biết Microsoft sẽ đổi tên thương hiệu Nokia thành Mobile Oy, tuy nhiên Microsoft cho biết đây chỉ là tên gọi về mặt pháp lý, trong khi đó Microsoft vẫn chưa quyết định có tiếp tục sử dụng thương hiệu Nokia, cũng như thương hiệu Lumia và Asha của Nokia tiếp tục trên các sản phẩm mới của hãng hay không.
Microsoft sẽ tiếp tục giữ thương hiệu của Nokia, thay vì “khai tử” hoàn toàn?
Microsoft sẽ tiếp tục giữ thương hiệu của Nokia, thay vì “khai tử” hoàn toàn?
Trước đó, một trong những thỏa thuận giữa 2 bên đó là Microsoft sẽ được nắm quyền sở hữu thương hiệu của Nokia, Lumia và Asha trong vòng 10 năm và cho phép Microsoft tiếp tục bán smartphone với những thương hiệu này, trong khi đó Nokia sẽ không còn tiếp tục sản xuất smartphone với thương hiệu riêng biệt.
Nhiều khả năng Microsoft vẫn sẽ tiếp tục sử dụng thương hiệu của Nokia trong những sản xuất phẩm tương lai của mình bởi lẽ Nokia từ lâu đã là một thương hiệu lớn đi sâu vào lòng người sử dụng và với nhiều người, họ quan tâm đến thương hiệu của sản phẩm, hơn việc ai là chủ thực sự của thương hiệu đó.
Theo Phạm Thế Quang Huy (Dân Trí)

Đọc thêm