Đáng lo việc thu thập thông tin cá nhân

Có không ít người trước khi chốt hạ mua một sản phẩm công nghệ cao nào đó, phổ biến là smartphone, laptop, tablet… cứ cẩn thận hỏi kỹ người bán coi thiết bị có thu thập thông tin cá nhân và gửi về hãng không. Đa phần đây là một câu hỏi cho có, hỏi theo thói quen hay hỏi như một giọt nước tràn ly khi vẫn chưa thể hạ quyết tâm có mua hay không.

Mọi thiết bị đều bị theo dõi

Có thể nói rằng hiện nay, hầu như không có phần mềm và phần cứng nào có tính năng kết nối Internet lại không được “ém” vào đó (sâu hay nông, khéo léo hay thô thiển, công khai hay bí mật) cái tính năng thu thập thông tin để gửi về máy chủ của nhà sản xuất. Bạn cài thử một số phần mềm ứng dụng coi, chắc chắn có một số cái trong quá trình cài đặt sẽ hỏi bạn có muốn tham gia giúp nhà phát triển cải tiến ứng dụng không. Một khi bạn rộng lòng chấp nhận cũng đồng nghĩa với việc bạn cho phép nhà phát triển thu thập một số thông tin cá nhân của bạn rồi.

Bạn cứ việc mở smartphone của mình ra xem, mục giấy phép ứng dụng sẽ liệt kê cho bạn biết những gì bạn cho phép từng ứng dụng được làm với “cục cưng” của mình. Khi vào các kho ứng dụng của các hệ điều hành di động để tải về và cài đặt các ứng dụng phần mềm, bạn sẽ được hỏi trong quá trình cài đặt là cho phép ứng dụng được làm những gì, truy cập những gì trên thiết bị của bạn. Đó không chỉ là ý muốn của nhà phát triển mà là quy định chung của kho ứng dụng, có những khi nhà phát triển không muốn hay không cần thì cũng phải tuân thủ để được “nhập kho”. Về nguyên tắc tự do cá nhân, ứng dụng ngày nay có tùy chọn để bạn có thể tùy ý muốn cho phép ứng dụng được làm những gì. Nhưng phần lớn ứng dụng sẽ từ chối tiếp tục cài đặt hoặc cho cài đặt nhưng chạy không ngon lành nếu như bạn cấm chúng tiếp cận với thiết bị.

Thật ra nếu không có gì khuất tất, các hãng đều cần thu thập thông tin hệ thống để có cơ sở dữ liệu về tình trạng vận hành của thiết bị, phần mềm của mình trong thời gian thực. Thế nhưng sở hữu thông tin và sử dụng cho mục đích gì thì mới đáng lo ngại thực sự.

Thu thập, kết nối thiết bị với nhà sản xuất là không tránh khỏi, tuy nhiên việc thu thập dữ liệu để làm gì mới là điều quan trọng. Ảnh: INTERNET

Chỉ còn cách “sống chung với lũ”

Ban Tổng giám đốc về tư pháp và người tiêu dùng thuộc Ủy ban châu Âu (EC) đã có hẳn Chỉ thị bảo vệ dữ liệu (Data Protection Directive), trong đó có Điều 7 quy định rõ ràng trong những trường hợp nào thì việc thu thập và xử lý thông tin cá nhân của người tiêu dùng được coi là hợp pháp. Điều quan trọng sống còn vẫn là phải có được “sự đồng ý rõ ràng của người tiêu dùng sau khi người đó đã được thông tin thỏa đáng”.

Thực tế dù có luật hay không bạn phải chấp nhận “chung sống hòa bình” với việc thu thập dữ liệu thôi. Suy cho cùng, bạn chỉ có thể lựa chọn xài hay không xài. Một khi đã quyết định xài thì bạn phải chấp nhận những quy định do nhà sản xuất đưa ra nếu như không có “sự nhân nhượng” của nhà sản xuất. Việc mà bạn có thể làm là tự bảo vệ chính mình.

Với các ứng dụng và thiết bị có tùy chọn truy cập những thứ gì đó trên thiết bị, bạn nên dành thời gian để kiểm tra lại từng “giấy phép con” của mình. Nếu thấy cái gì bất hợp lý và “tỏ ra nguy hiểm”, bạn cần “cắt đứt dây chuông” ngay và luôn. Chẳng hạn như ứng dụng xem lịch mà đòi truy cập camera, microphone, vào danh sách Contacts… thì “quá lố lồ lộ”. Cứ tắt những “giấy phép” mà mình không muốn, nếu ứng dụng không có ý kiến ý cò gì và vẫn chạy được thì xin… chúc mừng bạn.

Để an toàn thông tin, an toàn dữ liệu, bạn phải mất công và chịu phiền toái, không có con đường nào khác đâu. Từ nay bạn sẽ phải cẩn thận đọc kỹ các thỏa thuận trước khi sử dụng thiết bị hay cài đặt phần mềm ứng dụng nào. Có lẽ điều mà mọi người cảm thấy dễ chịu nhất là chấp nhận cho thông tin, dữ liệu của mình nằm trong tay hãng nào đó và được chuyển về nước nào đó mà mình tin tưởng. Chỉ có thể vậy thôi.

Cũng chẳng ai quan tâm đến luật

Thật ra việc thu thập dữ liệu không đáng sợ bằng việc sử dụng nó ra sao. Theo từ điển bách khoa Wikipedia, luật bí mật thông tin (information privacy) hay luật bảo vệ dữ liệu (data protection) ở bất cứ nước nào đều cấm tiết lộ hay sử dụng sai, lạm dụng thông tin về từng cá nhân. Hiện nay có hơn 80 nước và vùng lãnh thổ đã thông qua các luật bảo vệ dữ liệu toàn diện.

Đọc thêm