Bệnh “ái kỷ” trên mạng xã hội: bạn quá tự yêu mình?

Việc tự chụp ảnh (selfie) rất phổ biến hiện nay. Ảnh: petitlook.
Việc tự chụp ảnh (selfie) rất phổ biến hiện nay. Ảnh: petitlook.

Sự phát triển của công nghệ thông tin và mạng xã hội đang làm lo ngại về sự bùng phát “đại dịch ái kỷ”, mà việc tự chụp ảnh (selfie) và đếm like cho những thông tin của mình trên mạng xã hội chỉ là một biểu hiện.

Các chuyên gia đang cảnh báo gì?

Chứng ái kỷ, hay còn gọi là bệnh tự yêu mình (tên tiếng Anh: narcissistic personality disorder) được xem là một dạng rối loạn nhân cách khi một người có biểu hiện tự cao, ảo tưởng, thiếu đồng cảm với người khác. 

Danny Bowman được ghi nhận là trường hợp nghiện selfie dẫn đến tự tử đầu tiên ở Anh - Ảnh: dailymail.co.uk
Danny Bowman được ghi nhận là trường hợp nghiện selfie dẫn đến tự tử đầu tiên ở Anh - Ảnh: dailymail.co.uk

Từ “ái kỷ sơ khai”...

Trong một bài báo của tờ Time, Jeffrey Kluger kể lại một tình huống của chính ông trong quá khứ.

“Đó là ngày tôi có ý định đập một con tàu đồ chơi vào đầu một người đàn ông. Tôi không biết ông ta là ai, nhưng điều tôi ghi nhận ngay lập tức là ông ta có một cái đầu hói. Tôi nghiên cứu cái đầu hói ấy một cách say mê, và tôi nghĩ nếu mà tóc giúp bảo vệ phần đầu khỏi những chấn thương thì không có tóc hẳn phải làm phần đầu ấy nhạy cảm với thương tổn hơn nhiều:.

"Cái ý nghĩ ấy làm tôi thích thú. Tôi nhìn quanh và nhận ra dụng cụ hỗ trợ cũng nằm ngay đó - một con tàu đồ chơi...”.

Tình huống đó, như Kluger ghi nhận, vừa không thể chấp nhận được đối với xã hội ngày nay, vừa có thể được thông cảm, vì khi ấy ông chỉ mới 4 tuổi. Kluger cho rằng trẻ em thường tham lam, đòi hỏi, bạo lực, ích kỷ, nông nổi và thường thì không biết ăn năn hối lỗi là gì.

Chúng đòi người khác phải chiều chuộng mình nhưng không quan tâm tới người khác, chúng chỉ muốn được thưởng nhưng đến khi bị phạt thì la làng.

Tất cả những điều này là biểu hiện của chứng ái kỷ, mà theo tâm lý học là điều cần có ở trẻ nhỏ.

Nhà tâm lý học Mark Barnett của Đại học bang Kansas cho biết: “Trẻ sơ sinh cần phải tự yêu mình và ích kỷ khi mới sinh ra, đây là một cơ chế tiến hóa, giúp cho những nhu cầu cơ bản của chúng được đáp ứng, giúp chúng tồn tại”.

Điều này không phải mới đối với tâm lý học. Năm 1914, trong một bài viết mang tựa “Ông hoàng sơ sinh”, tâm lý gia Sigmund Freud viết về giai đoạn đầu tiên của đời sống một đứa trẻ sơ sinh mà ông gọi là “ái kỷ sơ khai” (primary narcissism). 

Như vậy, xu hướng ái kỷ là điều mà mọi chúng ta đều đã trải qua khi còn là trẻ nhỏ, nhằm giúp chúng ta sinh tồn và phát triển.

Theo Kluger, buộc tội cơ chế sinh học này là ái kỷ thực thụ thì quả là ngớ ngẩn. Với phần lớn trẻ nhỏ, “ái kỷ sơ khai” là một giai đoạn sẽ đi qua. Đến khi trẻ bắt đầu đi mẫu giáo, chúng sẽ hiểu ra thế giới chỉ chiều chuộng chúng trong một phạm vi nhất định.

Nếu trong quá trình trưởng thành, cơ chế này không được định hình và uốn nắn thì nó có thể dẫn tới chứng rối loạn nhân cách ở người trưởng thành.

3 đặc điểm cơ bản của chứng ái kỷ

Jeffrey Kluger nêu ra ba đặc điểm, mà ông gọi là “hạt giống của chứng ái kỷ” có thể phát triển thành chứng rối loạn nhân cách ở người trưởng thành. Đó là: thiếu đồng cảm, thiếu khả năng kiểm soát ham muốn và thiếu sự ăn năn hối lỗi.

Thiếu đồng cảm có thể coi là đặc điểm quan trọng nhất ở đứa trẻ mà sau này có thể dễ dàng chuyển hóa thành hội chứng ái kỷ.

Đây cũng được coi là đặc tính khó vượt qua nhất. Với trí óc của trẻ sơ sinh thì sự hiện diện của người khác chỉ tồn tại khi nằm trong phạm vi chúng có thể nhìn hoặc nghe thấy được. Một khi đã ra khỏi tầm mắt của chúng thì người khác xem như không tồn tại.

Chỉ đến khoảng 6 tháng tuổi, trẻ mới bắt đầu ý thức về sự tồn tại mang tính lâu dài của những người khác và có thể nhận thấy việc người khác gặp chuyện buồn. Sự đồng cảm thể hiện ở việc đứa trẻ có ý muốn làm người khác vui lên, kể cả khi hành động đó vẫn lấy cá nhân mình ra làm trung tâm.

Một ví dụ điển hình là đứa trẻ sẽ an ủi người khác bằng chính cái cách nó muốn được an ủi, như đưa cho người khác một món đồ chơi hay một con gấu bông.

Thiếu kiểm soát ham muốn là đặc tính cơ bản của trẻ lẫn những người tự yêu mình. Khả năng này đòi hỏi con người phải biết kiên nhẫn và kiềm chế ham muốn nhất thời để gặt hái được mục đích cao hơn.

Vào đầu những năm 1960, nhà tâm lý học Walter Mischel (Đại học Stanford) thực hiện “Thử nghiệm kẹo dẻo marshmallow”. Ông cho một nhóm trẻ 4 tuổi được lựa chọn: một là chúng có thể ăn một viên kẹo dẻo marshmallow ngay lập tức, hai là chúng có thể chờ 15 phút và được hai viên.

Sau đó ông ra khỏi phòng, để lại một viên kẹo dẻo trong tầm với của đứa nhỏ. Hai phần ba số trẻ tham gia kiên nhẫn chờ đợi, tự làm phân tâm bản thân để sau cùng có được hai viên kẹo.

Những đứa trẻ này, trong một cuộc khảo sát nối tiếp 14 năm sau đó, cho thấy chúng đạt điểm cao hơn trong những bài kiểm tra về ứng xử xã hội (social effectiveness) cũng như khả năng đối diện với sự ức chế và có kết quả thi SAT cao hơn khoảng 210 điểm so với những đứa bé chộp lấy cục kẹo marshmallow ngay từ đầu.

Thiếu sự ăn năn là đặc tính cuối cùng, không thể tách khỏi hội chứng ái kỷ. Khó có thể tiếp tục làm tổn thương người khác nếu điều đó khiến bạn cảm thấy hối lỗi.

Năm 2009, nhà tâm lý học Grazyna Kochanska của Đại học bang Iowa đã làm một nghiên cứu về cách những đứa trẻ mới tập đi thể hiện sự hối lỗi. Bà tập trung một nhóm 57 đứa trẻ khoảng 2 tuổi và giao cho chúng một món đồ chơi, nói với chúng đây là một món đồ kỷ niệm rất đặc biệt của người chủ món đồ.

Tuy nhiên khi đứa bé chạm vào thì món đồ này tự động vỡ ra!

Phản ứng của những đứa trẻ trước tình huống này chia làm hai kiểu: một nhóm hoàn toàn không bận tâm tới sự cố trên, nhóm còn lại hết sức căng thẳng, chúng lấy tay bịt mắt mình, ôm lấy mình, hoặc quay mặt đi chỗ khác.

Khảo sát nối tiếp sau đó cho thấy những đứa trẻ thể hiện sự căng thẳng trước tình huống trên gặp ít vấn đề trong học tập và cách cư xử trong cuộc sống hơn so với những đứa trẻ không bận tâm đến món đồ chơi bị vỡ.

“Đại dịch ái kỷ” và thời đại công nghệ thông tin 

Vào năm 2009, giáo sư Jean Twenge của Đại học San Diego hợp tác với tiến sĩ W. Keith Campbell, một chuyên gia về hội chứng ái kỷ.

Cả hai nghiên cứu về việc liệu những người sinh ra ở thế hệ sau có điểm trung bình cao hơn so với các thế hệ trước trong “Bài kiểm tra tính cách tự yêu mình”, được thiết kế bởi Robert Raskin và Howard Terry vào năm 1988.

Phân tích số liệu có từ trước năm 2006 của 15.000 sinh viên đại học ở Mỹ, họ nhận thấy có mối quan hệ mật thiết giữa năm sinh của những người tham gia và điểm của họ.

Cụ thể là sinh viên của những năm 2000 có điểm tự yêu mình cao hơn hẳn so với sinh viên thời những năm 1980 và 1990.

Giáo sư Jean Twenge cho rằng những người trẻ ở độ tuổi 18 và 19 thường chú tâm tới bản thân hơn so với những lứa tuổi khác và đây là sự phát triển thông thường.

Tuy nhiên nghiên cứu của bà cũng cho thấy hiện nay có nhiều người trẻ tự yêu mình hơn so với trước, và nam giới có xu hướng tự yêu mình cao hơn nữ giới! 

Bà chỉ ra một số yếu tố góp phần lý giải số lượng tăng cao những người trẻ tự yêu mình ngày nay. Theo đó, trong một xã hội phù phiếm với số lượng phẫu thuật thẩm mỹ đang tăng vọt từ cuối những năm 1990 thì nhu cầu trở thành người đặc biệt, là người độc nhất cũng tăng cao.

Chứng ái kỷ gắn liền với lối sống xa hoa, chú trọng hình ảnh, danh tiếng. Một trong những biểu hiện của lối sống “tôi là trung tâm” có thể kể là trào lưu tự chụp ảnh mình (selfie).

Các nhà tâm lý học mới đây đã cảnh báo việc selfie có thể gây ảnh hưởng không tốt, thậm chí có thể gây nghiện và làm tăng sự ái kỷ của cá nhân đó.

Danny Bowman, 19 tuổi, sống ở Anh, bị nghiện chụp ảnh selfie và có hôm cậu dành đến 10 tiếng trong ngày để chụp được 200 tấm ảnh của mình trên iPhone.

Cậu luôn giữ điện thoại trong tay để có thể chụp ảnh mình bất cứ lúc nào và đăng lên Facebook, mong muốn nhận được lời khen từ bạn bè.

Tuy nhiên, dù đã thử ở mọi góc cạnh, Danny nhận ra mình vẫn không có được gương mặt hoàn hảo cho tấm ảnh hoàn hảo. Thậm chí một số phản hồi còn chê bai cậu.

Trong một phút tuyệt vọng, Danny đã tự tử, nhưng may mắn được mẹ cứu kịp.

Tiến sĩ David Veal, một nhà tâm thần học phụ trách chữa trị cho Danny, cho biết trường hợp của Danny khiến ta không thể phủ nhận tính nghiêm trọng của vấn đề.

“Đây không đơn thuần là sự phù phiếm nữa. Nó là một căn bệnh tâm lý dẫn tới tỉ lệ tự tử rất cao”.

Việc gắn liền đời sống mình với mạng xã hội không còn xa lạ với giới trẻ Việt ngày nay. Điều này liệu có góp phần tạo nên một thế hệ trẻ tự yêu mình, ít hòa nhập với xã hội, mà những biểu hiện tương tự của giới trẻ phương Tây đang khiến các chuyên gia cảnh báo về một “đại dịch ái kỷ” trong thời đại công nghệ thông tin? 

Bạn có phải là người tự yêu mình?

(Trích từ “Bài kiểm tra tính cách tự yêu mình” của Robert Raskin và Howard Terry)

Chọn câu trả lời trong mỗi cặp phù hợp nhất với bạn. Đừng để trống câu nào.

A

B

1

Tôi có khả năng tác động đến người khác

Tôi không giỏi tác động đến người khác

2

Khi được khen, thỉnh thoảng tôi cảm thấy ngượng

Tôi biết tôi giỏi vì ai cũng nói thế

3

Tôi không giỏi, cũng không tệ hơn hầu hết mọi người

Tôi nghĩ tôi là một người đặc biệt

4

Tôi sẽ thành công

Tôi không quá bận tâm về thành công

5

Ý nghĩ thống trị thế giới làm tôi thấy hoảng sợ

Nếu được tôi cai trị, thế giới sẽ tốt đẹp hơn

6

Tôi cố không tỏ ra khoe khoang

Khi có cơ hội, tôi thường khoe khoang

7

Thỉnh thoảng tôi kể được vài chuyện hay

Ai cũng thích những câu chuyện của tôi

8

Tôi kỳ vọng rất nhiều ở những người khác

Tôi thích giúp đỡ người khác

9

Tôi sẽ không bao giờ hài lòng cho đến khi đạt được những gì xứng đáng với mình

Tôi đón nhận sự hài lòng khi nó đến

10

Tôi ước một ngày có ai đó viết tiểu sử về tôi

Tôi không thích người khác tò mò về đời tư của mình vì bất cứ lý do nào

Cách tính điểm:

Cộng 1 điểm mỗi khi bạn chọn A ở các câu 1, 4, 8, 9 và 10, và chọn B ở các câu 2, 3, 5, 6 và 7.

Điểm trung bình cho bài kiểm tra này là 4. Nếu điểm bạn càng cao hơn 4 thì bạn càng có dấu hiệu là người tự yêu mình.

Theo NGUYÊN ANH/Tuổi Trẻ cuối tuần
(Tổng hợp từ Time, Independent

Đọc thêm