Báo động bị lừa khi mua tài khoản qua mạng

Có những bạn trẻ hiểu biết về quản trị mạng đã dùng kiến thức của mình kiếm tiền phi pháp.

Mua tài khoản nhưng không được dùng

Đầu tháng 5-2015, anh LPT (ngụ phường 12, quận 10, TP.HCM) thông qua một số diễn đàn tin học quen với một người tên Hoàng Văn Sơn. Sau đó Sơn ngỏ ý muốn bán tài khoản Google Adsense của mình. Ngày 19-5, anh T. gọi điện thoại trực tiếp cho Sơn bàn chuyện mua tài khoản. Sơn cho biết mình ở Thanh Hóa, không thể giao dịch trực tiếp nên phải chuyển qua một tài khoản trung gian. Thỏa thuận xong, anh T. đã chuyển khoản qua một tài khoản trung gian số tiền 16 triệu đồng.

Sau khi chuyển tiền xong, anh T. vẫn không có quyền quản trị tài khoản của mình mà chỉ được quyền vào xem. Anh gọi cho Sơn thì số này đã bị khóa, nick chat cũng không trả lời.

Rà soát lại quy trình thì anh hiểu mình đã bị lừa khi Sơn cho anh vào xem Teamviewer (Teamviewer là một phần mềm được dùng để điều khiển các máy tính khác từ xa thông qua mạng Internet. Với Teamviewer, người dùng có thể truy cập vào máy của người khác để có thể thao tác trên đó như trên máy của mình). Khi Teamviewer đang chạy thì Sơn tắt chương trình, làm máy của anh T. bị treo. Sau đó Sơn nhanh chóng thay đổi quyền quản trị của anh T. Anh T. cho biết đã gửi tài liệu cho Công an TP Vinh để điều tra hành vi lừa đảo của Sơn.

Anh T. tìm hiểu thì được biết trước đó tài khoản này mang tên BTH (ngụ quận Thanh Xuân, Hà Nội). Liên lạc với anh H., anh H. cho biết mình cũng bị Sơn lừa mua tài khoản với thủ đoạn tương tự. Ngày 12-5, anh H. mua tài khoản này để quảng cáo cho trang web của chính anh là Congtin.net. và đã chuyển trực tiếp vào tài khoản mang tên Hoàng Văn Sơn tại Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh Vinh số tiền 5 triệu đồng.

Anh LPT có kinh nghiệm quản trị mạng nhưng vẫn bị lừa dễ dàng. Ảnh: HM

Khó xử lừa qua mạng

Mới đây, TAND TP.HCM vừa đưa ra xét xử vụ lừa đảo bán hàng đa cấp trên cả nước chiếm đoạt tài sản tại Công ty Cổ phần Đầu tư Tâm Mặt Trời.

Bốn bị cáo Nguyễn Hoàng Vũ, Đỗ Văn Hiền, Lê Văn Đình và Thiên Sanh Trí cùng bị VKS truy tố về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet... thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 226B BLHS).

Theo cáo trạng, dù không được cấp giấy chứng nhận kinh doanh sàn giao dịch thương mại điện tử nhưng các bị cáo này vẫn đứng ra thành lập Công ty Tâm Mặt Trời. Sau đó nhóm này tạo các gian hàng ảo giống như sàn giao dịch thương mại điện tử để bán cho khách hàng dưới hình thức đa cấp. Từ tháng 9-2009 đến tháng 10-2012, các bị cáo bán ra 23.348 gian hàng ảo, thu được gần 122 tỉ đồng. Trong đó, các bị cáo hưởng lợi 8,713 tỉ đồng. Số tiền còn lại sử dụng làm chi phí duy trì hoạt động của công ty cũng như phát triển hệ thống hội viên khắp nơi.

Công ty Tâm Mặt Trời dùng hai trang mạng là www.emt.vn và www.emt.com.vn, tự quảng bá là sàn thương mại điện tử, kêu gọi mọi người ở khắp nơi mua gian hàng ảo theo hình thức đa cấp. Mỗi thành viên muốn tham gia phải nộp 4,8-6 triệu đồng (tùy thời điểm) để được sở hữu một gian hàng ảo vô thời hạn. Để lôi kéo tham gia, công ty đưa ra chương trình mỗi hội viên sẽ được mua hàng điện tử ưu đãi với giá cực rẻ và nhiều ưu đãi khác. Hội viên nào lôi kéo càng nhiều người tham gia mua gian hàng ảo thì được thưởng càng nhiều như thưởng “nóng” 1,5 triệu đồng/người.

Nhiều người bị sập bẫy và còn lôi kéo theo nhiều người thân trong gia đình, bạn bè… vào vòng xoáy này. Cạnh đó, công ty còn tổ chức hội viên theo nhánh đa cấp, tự đặt ra cho các thành viên chức danh là “VIP 1, VIP 2, trưởng nhóm”, tùy theo mức độ lôi kéo hội viên mà có mức hoa hồng phù hợp. Hàng VIP được công ty chi hoa hồng lên đến 100 triệu đồng/người...

Công an không thể xác minh được chính xác tổng số người bị hại cũng như nhân thân, lai lịch và số tiền chiếm đoạt nên phải thông báo trên báo, đài tìm kiếm nạn nhân nhưng đến nay chỉ ghi được lời khai của 108 người đã mua tổng số 195 gian hàng ảo. Sau khi tòa trả hồ sơ điều tra lần thứ nhất, cơ quan công an giảm số người bị hại còn 105 người với 192 gian hàng ảo bởi có ba người mua gian hàng ảo nhưng chưa trả tiền nên chưa thành nạn nhân.

Tại phiên tòa mới đây, việc xét hỏi phải gián đoạn tạm thời để mời thêm chuyên gia mạng đến phiên tòa. Luật sư xoáy các chuyên gia các câu hỏi nhằm làm rõ các gian hàng ảo mà công ty trên bán cho khách hàng có sử dụng được không. Kỹ sư viết phần mềm cũng như những người bị hại đều xác định các gian hàng đó sử dụng được đúng như lời giới thiệu khi mua bán. Từ đó, phía gỡ tội cho khách hàng (nạn nhân) không sử dụng các gian hàng để trưng bày, mua bán, giới thiệu là vì họ ham kiếm lợi nhuận từ việc giới thiệu thêm người để mua gian hàng (theo mô hình đa cấp công ty triển khai).

Trước diễn biến trên, tòa đã hoãn phiên tòa và ra quyết định trả hồ sơ để tiếp tục điều tra bổ sung lần thứ hai.

Có dấu hiệu phạm tội lừa đảo

Điều 139 BLHS quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng thì bị coi là phạm tội.

Theo BLDS tài khoản trên mạng của ai đó cũng được xem là tài sản do nó có thể trao đổi, mua bán như những tài sản thông thường khác. Như vậy hành vi rao bán tài khoản trên mạng sau khi nhận 16 triệu đồng mà không trao quyền kiểm soát cho người mua và chủ động làm mất liên lạc của ông Sơn đã đủ yếu tố chiếm đoạt tài sản bằng cách sử dụng thủ đoạn gian dối.

Trong vụ này, người phạm tội phải chịu tình tiết tăng nặng định khung là phạm tội nhiều lần, có tính chất chuyên nghiệp vì thực tế đã dùng chiêu thức lừa nhiều người.

Về chứng cứ, người bị hại có thể giao nộp cho cơ quan điều tra (CQĐT) các chứng cứ thông tin liên quan đến việc chuyển tiền mua tài khoản (nếu chuyển qua ngân hàng) hoặc biên nhận, hình ảnh, ghi âm (nếu đưa tiền trực tiếp). Ngoài ra, cần có các chứng cứ khác như tên tài khoản, số điện thoại, nhật ký thư điện tử hoặc chat trao đổi mua bán giữa hai bên hoặc các thông tin cá nhân người phạm tội mà người bị hại thu thập được. Tất nhiên người bị hại phải có đơn yêu cầu xử lý hình sự thì CQĐT mới có thể tìm hiểu, xác minh.

Luật sư PHẠM MINH TÂM, Đoàn Luật sư TP.HCM

T.TÙNG ghi

Google Adsense là một dịch vụ quảng cáo của Google. Chủ tài khoản của Google Adsense dùng một mã code để đặt lên các trang web. Khi có người thuê dịch vụ hiện banner quảng cáo trên các trang web liên kết với Google thì chủ tài khoản sẽ được Google trả tiền. Nhiều bạn trẻ biết cách chăm chút cho tài khoản của mình sẽ có thêm một nguồn thu nhập kha khá.

Đọc thêm