5 được - mất quan trọng nhất khi từ bỏ Facebook

Sau đây là chia sẻ của một người dùng Facebook được đăng trên trang Time.com, về việc từ bỏ Facebook và những được, mất khi làm thế. Thực tế, chúng ta không mất gì khi từ bỏ Facebook.

5 được - mất quan trọng nhất khi từ bỏ Facebook ảnh 1

Vấn đề là tôi yêu Facebook. Tôi thích đăng tải lên Facebook mọi thứ diễn ra trong ngày của mình, kết nối với bạn bè gần xa, và xem mọi thứ buồn cười, thú vị, ngọt ngào mà mọi người chia sẻ. Nhưng tôi cũng ghét Facebook, vì nó hút quá nhiều thời gian của tôi, vì nó khiến tôi cảm giác bản thân mình thật tồi tệ khi cuộc sống của mọi người có vẻ thú vị hơn tôi nhiều, và vì nó khiến tôi ngày càng mất nhiều thời gian vào chiếc màn hình nhỏ hơn là cuộc sống thật.

Cách đây mấy tuần, tôi nhận ra dường như mạng xã hội đang mang đến cho tôi sự quấy rầy và giận dữ nhiều hơn là hạnh phúc. Vì thế, tôi quyết định nhanh và ngay lập tức. Sau đây là những gì tôi đã học được khi từ bỏ Facebook.

Đã cai là cai hẳn, không thể “nửa mùa”

Tôi đã cố gắng giảm thời gian vào Facebook, đặt ra các nguyên tắc như “chỉ vào Facebook lần đầu tiên vào buổi sáng”, hoặc “Chỉ xem trong giờ ăn trưa”, hay khi tôi trở lại làm việc sau thời gian nghỉ phép. Nhưng một lần ghé qua Facebook vào buổi sáng luôn khiến tôi cảm thấy cần thiết phải quay lại Facebook lúc 11 giờ sáng nữa, để xem liệu có ai bình luận về một trạng thái nào đó, để trả lời các bình luận và đăng tải những trãnh cãi, và để thảng thốt khi nhận ra mình đã trễ một cuộc hẹn trên Facebook. Tôi chẳng còn kiểm soát nổi mình nữa. Phải hoàn toàn cắt đứt khỏi Facebook là cách duy nhất đảm bảo tôi sẽ không bị lôi kéo. Và tôi thậm chí đã xoá hẳn ứng dụng Facebook trên điện thoại.

Xoá Facebook, bạn chẳng hề mất gì như bạn tưởng đâu

Đúng thế, khi xoá hẳn ứng dụng Facebook, tôi đã bị lỡ một loạt các ngày sinh nhật của bạn bè, nhỡ nhiều tin tức nóng hổi về lễ đính hôn của một cựu đồng nghiệp. Nhưng điều ngạc nhiên là, ngay từ ngày đầu tiên chia tay Facebook, tôi không hề nhận thấy mình thực sự bị “nhỡ nhàng” bất cứ gì. Người bạn tốt nhất của tôi thời trung học vẫn nhắn tin gửi tôi những bức ảnh đáng yêu của cô con gái 2 tuổi. Tôi vẫn liên lạc với bạn bè qua email hay thậm chí điện thoại. Tôi vẫn đọc các trang tin tức yêu thích của mình như thường. Thật tốt!

Điều tôi không nhận được là: những cập nhật liên tục về các cuộc đi chơi của mọi người (điều này từng khiến tôi cảm giác cuộc sống của mình thật là vô vị), hay các hoạt động giáo dục mà mọi người dự định dành cho con cái (điều này từng khiến tôi cảm thấy mình là một người mẹ thiếu sót)…

5 được - mất quan trọng nhất khi từ bỏ Facebook ảnh 2

Tôi hoạt động hiệu quả hơn cả ở nhà lẫn cơ quan

Tôi chưa bao giờ nhận ra trong ngày làm việc tôi đã click bao nhiêu lần vào Facebook, chỉ như một thói quen chứ không để làm gì. Nhưng điều thực sự ngạc nhiên là tôi đã làm được rất nhiều việc khi ở nhà mà không có Facebook. Tôi không còn thu lu trên chiếc ghế sofa và lướt trên Facebook nữa. Tôi đọc sách. Tôi khâu vá. Tôi thư giãn. Hầu như tôi đã nhận ra mình có rất nhiều thời gian rảnh rỗi.

Thực sự sống với các khoảnh khắc

Khi tôi không phải liên tục nghĩ về cách miêu tả mỗi một khoảnh khắc để đăng cho các trạng thái trên Facebook, tôi thực sự sống với những khoảnh khắc đó. Tôi chụp ảnh con cái mình chỉ để cho chính tôi, chứ không phải để trưng bày, khoe trên Facebook và hồi hộp, lo lắng dõi theo ý kiến mọi người. Khi chúng tôi ra bãi biển và ăn tối với bạn bè, tôi trải nghiệm nó, vui vẻ thực sự và không phải vì trông tôi sẽ xinh đẹp thế nào trong bức ảnh khi đăng lên Facebook.

Tôi đã điều trị khỏi chứng nghiện Facebook

Tôi đã hoàn toàn chia xa Facebook trong 2 tuần. Sau đó tôi quyết định thử quay trở lại xem… có gì mới không. Và tôi chỉ lướt trong vòng 5 phút, rồi đóng laptop lại và đi ngủ. Tôi không còn cảm thấy bị hút vào đó như ngày trước nữa.

Tôi sẽ không từ bỏ Facebook hoàn toàn – tất cả những gì tôi yêu quý về Facebook vẫn không thay đổi. Nhưng từ nay, tôi hiểu rằng tôi có thể sống mà hoàn toàn không cần Facebook. Tôi sẽ chỉ vào Facebook 2 lần một tuần, chỉ thế thôi để cân bằng cuộc sống của mình.

Theo Hải An (XHTT)

Đọc thêm