2014 là năm bản lề của giai đoạn khởi động IPv6

"Theo lộ trình chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6 đã được Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt trong Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6, năm nay được đánh giá là năm bản lề cho Giai đoạn 2. Hội thảo Ứng dụng IPv6 cung cấp thông tin kịp thời và đầy đủ về hiện trạng triển khai IPv6 của các doanh nghiệp Việt Nam, tạo cơ hội chia sẻ kinh nghiệm và khó khăn thực tế khi thực hiện các mục tiêu đặt ra trong giai đoạn này", Thứ trưởng nhấn mạnh tại sự kiện Ngày IPv6 Việt Nam 6/5 do Ban Công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia và Trung tâm Internet Việt Nam tổ chức.

Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 được chia làm 3 giai đoạn. Việt Nam đã kết thúc giai đoạn 1 - giai đoạn chuẩn bị trong các năm 2011-2012. Giai đoạn 2 là giai đoạn khởi động, kéo dài từ 2013 đến 2015, và cuối cùng là giai đoạn chuyển đổi từ 2016 đến 2019.

Sau khi giai đoạn 1 hoàn thành, các doanh nghiệp Internet Việt Nam đã bắt tay vào xây dựng và triển khai việc sản xuất các sản phẩm, ứng dụng IPv6. Cụ thể, 11/18 nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) đang triển khai song song kết nối IPv4 và IPv6, đặc biệt có 4 ISP đã sử dụng hoàn toàn IPv6. 35 website có địa chỉ .vn đã chuyển sang giao thức mới. Trong khi đó, các nhà sản xuất thiết bị mạng, thiết bị đầu cuối như FPT, VNPT Technology, Viettel... cũng đã cho ra đời những sản phẩm hỗ trợ IPv6.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Trường Thành, Trưởng phòng kỹ thuật Trung tâm Internet Việt Nam, cho biết lưu lượng truy cập IPv6 còn hạn chế và các nội dung hỗ trợ IPv6 còn khiêm tốn. Tổng băng thông IPv6 tại Việt Nam năm 2013 tăng so với năm 2012 nhưng không đáng kể. 

V6-6873-1399368270.jpg

Sự tăng trưởng ồ ạtcủa các thiết bị di động đã khiến kho địa chỉ Internet cạn kiệt, buộc phải chuyển đổi sang địa chỉ IPv6. Ảnh: Embedded.

IP là chuỗi số phân cho mỗi máy tính, máy chủ, smartphone và các thiết bị kết nối Internet khác. Kho địa chỉ Internet trên nền IPv4 (với tổng cộng 4,3 tỷ địa chỉ) đã cạn kiệt trong khi các dòng thiết bị mới vẫn tiếp tục ồ ạt được bán ra thị trường. Vint Cerf, người tạo giao thức IPv4 với nhiệm vụ kết nối máy tính trên toàn cầu, cho biết: "Tôi từng nghĩ 4,3 tỷ địa chỉ là quá đủ, nhưng ai mà biết trước được chúng ta sẽ cần bao nhiêu không gian địa chỉ, nhất là khi thời điểm ra đời IPv4 chưa tồn tại khái niệm thiết bị IP di động".

Lúc này, IPv6 chính là giải pháp. Địa chỉ IPv6 dài 128 bit, cho phép mở rộng kho địa chỉ lên tới 2^128, tức lớn hơn rất nhiều so với IPv4 (số địa chỉ cụ thể của IPv6 là 340.282.366.920.938.463.463.374.607.431.768.211.456). IPv6 có lợi thế lớn so với IPv4 khi có không gian địa chỉ gần như vô hạn, cho phép thiết bị tự cấu hình các thông số phục vụ cho việc kết nối mạng như địa chỉ IP, địa chỉ máy chủ tên miền, khả năng bảo mật cao…Vấn đề là quá trình nâng cấp lên IPv6 đòi hỏi công sức và chi phí cao, nên nhiều bên vẫn chần chừ đến khi nào không thể trì hoãn được nữa.

Cisco dự đoán sẽ có 8 tỷ thiết bị được cấp địa chỉ IPv6 vào năm 2016. Tại Việt Nam, ngày 6/5 được chọn là Ngày IPv6 với mục đích góp phần nâng cao nhận thức và thúc đẩy phát triển IPv6, nhất là tại các doanh nghiệp viễn thông và Internet.

Theo Châu An (VNE)

Đọc thêm